Dân số già: Ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế
- Huyệt vị
- 20:46 - 24/07/2016
Người già sẽ chiếm hơn 18% số dân Việt Nam
Trước đó, tại báo cáo “Sống lâu và Thịnh vượng hơn: Già hóa dân số tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, WB nhận định, số người già trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ tăng vọt gấp 3 so với hiện nay vào năm 2040, gây ra những hậu quả khắc nghiệt, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm.
Cụ thể, WB phân tích: Việt Nam bắt đầu trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã được hưởng “lợi tức dân số” - sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được tạo ra bởi lợi thế có được từ nhóm dân số đang ở độ tuổi lao động. Lợi tức này hiện đã được sử dụng gần hết: Thành phần dân số ở độ tuổi lao động đã đạt đỉnh vào năm 2013 và hiện nay đang giảm xuống.
Theo các dự đoán của Liên hợp quốc, con số tuyệt đối của người dân ở độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm xuống nhanh chóng sau năm 2035. Quan trọng hơn nữa là Việt Nam đã đạt tới điểm ngoặt trong quy mô dân số già năm 2015. Số lượng người Việt Nam trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay tới trên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm tới hơn 18% số dân và biến Việt Nam từ một xã hội trẻ thành một xã hội già.
Khám bệnh cho người cao tuổi.
Tốc độ chuyển tiếp dân số nhanh chóng tại Việt Nam đặt ra thách thức mới đối với các nhà hoạch định chính sách, chủ doanh nghiệp và người dân. Trong đó, thách thức trên thị trường lao động là làm sao chuẩn bị sẵn sàng trước tình trạng giảm dân số trong độ tuổi lao động và tăng năng suất lao động khi lực lượng lao động giảm sút. Bên cạnh đó, rủi ro lớn nhất về mặt tài khoá là khả năng bền vững tài chính của hệ thống hưu trí với tỉ lệ tham gia thấp hiện nay. Tuy đã thực hiện đổi mới đáng kể trong năm 2014 nhưng hệ thống hưu trí chính thức vẫn chưa bền vững về tài chính và cần được cải cách sâu hơn.
Sự biến đổi dân số mang đến những hậu quả khắc nghiệt, đòi hỏi phải có những hành động chính sách và thay đổi hành vi trong xã hội để giúp giảm nhẹ hậu quả. Quan ngại chung của nhiều nước là quá trình già hoá nhanh sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế và ngân sách nhà nước. Già hoá dân số chính là hiện tượng đã dẫn đến các dự đoán về sụp đổ kinh tế và tài khoá, trong đó nhắc đến những từ như “cơn sóng thần già hoá”, “khủng hoảng già hoá” và “bom nổ chậm màu bạc”.
Do vậy, theo WB, một mặt cần nghiêm túc xem xét tác động của già hoá lên tăng trưởng và ngân sách nhà nước nhưng mặt khác cũng cần lưu ý các kênh tác động, qui mô, và xảy ra vào giai đoạn nào trong quá trình phát triển dân số của mỗi nước.
Cần những thay đổi về chính sách
Trong số các kênh giúp giảm tác động tiêu cực của già hóa dân số, WB cho rằng, giải pháp tăng lực lượng lao động là kéo dài thời gian lao động của người lao động cao tuổi. Về mặt lí thuyết, kênh này sẽ bị hạn chế nhiều hơn so với tại các khu vực khác trên thế giới. Nhưng tại một số nước, theo WB, nhất là tại Trung Quốc và Việt Nam, khả năng tăng tuổi lao động đối với người dân đô thị vẫn còn lớn. Nhưng lại nảy sinh nguy cơ khác do tăng trưởng, đô thị hóa và mở rộng các chương trình an sinh xã hội sẽ làm cho khu vực nông thôn bắt chước khu vực thành phố nghỉ hưu sớm. Nếu không cải cách hệ thống hưu trí thì nguy cơ này sẽ khá nghiêm trọng.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia của WB, một biện pháp quan trọng cần thực hiện là dần dần nâng tuổi nghỉ hưu chính thức; nâng tuổi nghỉ hưu nam, nữ bằng nhau; và nâng mức khấu trừ tỉ lệ hưởng đối với những người nghỉ hưu sớm hợp lý theo đúng tính toán cơ học. Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp khác như giảm tỉ lệ hưởng cho mỗi năm đóng góp theo mức trong khu vực và trên thế giới, mở rộng cơ sở đóng góp bằng cách gộp thêm cả phụ cấp, thưởng vào lương chính để tính mức đóng góp.Ngoài ra, còn có thể đảm bảo cân đối tài chính bằng cách áp dụng nghiêm chỉnh điều chỉnh lương hưu theo chỉ số giá tiêu dùng, giảm dần số nghề đặc biệt được hưởng ưu đãi hưu trí.
Bên cạnh đó, WB cũng khuyến nghị giải pháp gia tăng tỉ lệ tham gia lao động của phụ nữ, nhất là số phụ nữ có trình độ tại khu vực thành thị. Đây là nhóm thường nghỉ hưu rất sớm. Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ kinh phí cho dịch vụ chăm sóc trẻ em và chăm sóc người cao tuổi để phụ nữ có thêm thời gian làm việc.
Một biện pháp nữa là không thực hiện trả lương theo thâm niên nữa vì như vậy sẽ tạo mức độ hấp dẫn của lao động cao tuổi và cách trả lương như vậy cũng không gắn liền với năng suất lao động.
Đồng thời, cần tổ chức công việc linh hoạt hơn, ví dụ làm việc bán thời gian, làm việc với thời gian linh hoạt, hay chia sẻ công việc. Đây là cách làm phù hợp với lao động cao tuổi và chủ doanh nghiệp, đồng thời tạo giai đoạn chuyển tiếp từ lao động sang nghỉ hưu thay vì chấm dứt đột ngột.
Biện pháp tiết kiệm chi phí nữa mà WB đề xuất là điều chỉnh chỗ làm việc sao cho phù hợp hơn với thể chất lao động cao tuổi. Ngoài việc tăng cường số lượng lao động trong tương lai còn phải chú ý nâng cao chất lượng người lao động thông qua nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng và dạy nghề, phát triển các kênh học tập suốt đời nhằm đảm bảo liên tục nâng cao tay nghề; và thông qua đổi mới chính sách lao động, ví dụ thay đổi chính sách hộ khẩu nhằm khuyến khích di chuyển lao động từ các ngành năng suất thấp sang các ngành năng suất cao hơn, và từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.