THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:23

Dân phải bỏ nhà vì không chịu được ô nhiễm từ bãi rác tạm

 

Nước rỉ rác sinh hoạt hòa vào hệ thống mương cống chung trong khu vực - Ảnh: Nam Anh

Nước rỉ rác sinh hoạt hòa vào hệ thống mương cống chung trong khu vực - Ảnh: Nam Anh

 

Dù chỉ là tạm thời nhưng bãi rác thải sinh hoạt có diện tích rộng gần 12 ha (sau đây xin gọi là bãi rác tạm Khai Quang – P.V) nằm trong KCN Khai Quang, giữa lòng TP.Vĩnh Yên, đều đặn tiếp nhận lượng rác sinh hoạt lên tới hơn 100 tấn/ngày. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi tác tạm Khai Quang bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2008 và sau 9 năm mở cửa, hoạt động, đến nay đã quá tải.

Mắc màn ăn cơm

Do quá tải cộng với việc xử lý rác chưa đạt yêu cầu nên hiện bãi rác tạm Khai Quang đang trở thành nỗi ám ảnh của hàng trăm người dân khu vực lân cận, hay chính những nhà máy, xưởng sản xuất… trong chính KCN Khai Quang. Mùi thối, ruồi muỗi, nước thải rỉ ra tràn ngập vào khu dân cư. Bãi rác chỉ cách nhà dân chưa đến 10m khiến cho đời sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nhiều gia đình cắn răng chịu đựng, nhưng có người phải bỏ quê hương đi tìm chỗ ở mới.

 

Đường dẫn vào bãi rác tạm Khai Quang - Ảnh: Hà An

 

 

Đường dẫn vào bãi rác tạm Khai Quang - Ảnh: Hà An

 

Ông Nguyễn Ngọc Vinh, người dân thôn Gò Chai nằm cách bãi rác tạm Khai Quang chỉ vài chục mét, phản ánh: Từ khi bãi rác này đi vào hoạt động, người dân như “sống dở chết dở”. Bởi quanh năm suốt tháng ruồi muỗi tấn công. Mặc dù đơn vị chủ quản có phun thuốc diệt ruồi muỗi nhưng không lại. Mùi hôi thối từ bãi rác tra tấn ngày đêm không ai chịu nổi. Thêm nữa là nước giếng của các hộ dân xung quanh bị ô nhiễm, dân phải đi mua nước bình về dùng... Còn nước rỉ thải thì chảy tràn ra khu dân cư mỗi khi mưa xuống. Dân chúng đã kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng tới nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Không chỉ trường hợp nhà ông Vinh, mà còn nhiều hộ gia đình khác chịu ảnh hưởng nặng nề từ bãi rác tạm Khai Quang. Theo quan sát của chúng tôi, khoảng cách gần nhất từ bãi rác tạm Khai Quang đến hộ gia đình gần nhất là chưa đến 10m. Bãi rác chất cao như núi. Dưới chân bãi rác có hệ thống gom nước rỉ thải, lượng nước thải này được kết nối với hệ thống cống thoát nước KCN Khai Quang và chảy tràn ra khu dân cư mỗi khi mưa lớn, khiến vấn nạn ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng. Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Vinh dẫn chúng vào ngôi nhà cấp 4 nằm trên một gò đất cao, cạnh bãi rác. Vừa bước chân đến cửa, ruồi muỗi đậu dưới nền nhà bay lên từng bầy như ong vỡ tổ. Chưa hết, bên trong ngôi nhà cấp 4 cạnh bãi rác, ruồi muỗi ken đặc từ bàn ghế, bát đũa... hoặc bất kỳ chỗ nào có khoảng trống.

 

Trên đỉnh bãi rác tạm Khai Quang - Ảnh: Nam Anh

Trên đỉnh bãi rác tạm Khai Quang - Ảnh: Nam Anh

 

Trong khi đó, theo lời bà Hoàng Thị Thiện, một người dân khác sinh sống ở khu Gò Chai, đơn vị quản lý bãi rác tạm Khai Quang có phun hóa chất diệt ruồi, muỗi, nhưng không lại. Chỉ sau 1 - 2 ngày là ruồi, muỗi lại bâu kín nhà. Nhiều hôm, có gia đình phải mắc màn ăn cơm. “Mặc dù biết người dân sinh sống cạnh bãi rác sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng đơn vị quản lý không chịu đền bù thỏa đáng để dân đi nơi khác. Trước đây, đơn vị quản lý bãi rác nói là sẽ đền bù cho gia đình tôi số tiền khoảng 1 tỉ đồng. Nhưng số tiền đó không đủ để mua đất chỗ khác với vị trí và diện tích tương tự. Giá đền bù cũng thấp hơn rất nhiều so với giá đất thực tế trên thị trường. Sau 2009, dân chúng tôi không đồng ý mức đền bù giải phóng mặt bằng thì cũng không thấy đơn vị quản lý hay cơ quan chức năng đến đàm phán đền bù”, bà Thiện cho hay.

 

 

 

 

 

Bãi rác tạm Khai Quang cách khu dân cư, nhà máy sản xuất đúng một con đường - Ảnh: Nam Anh

Bãi rác tạm Khai Quang cách khu dân cư, nhà máy sản xuất đúng một con đường - Ảnh: Nam Anh

Không giống như gia đình bà Thiện hay gia đình ông Vinh, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cộng vì quá gần bãi rác tạm Khai Quang, không thể chịu nổi mùi hôi thối nên đã phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác sinh sống. Cụ thể, sau nhiều năm phải sống chung với nạn ô nhiễm, năm 2016 gia đình ông Cộng đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Còn ngôi nhà tại khu Gò Chai, ông Cộng đóng cửa để đấy. Khi nào bãi rác đóng cửa ông Cộng và gia đình sẽ quay trở lại. Một số người dân sống tại khu vực Gò Chai cho biết: Vì gia đình họ không có điều kiện về tiền bạc để đi nơi khác sinh sống, cho nên từ nhiều năm nay, người dân vẫn phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

H.An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh