CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:55

Dàn nhạc ngũ âm - linh hồn của âm nhạc truyền thống Khmer Nam Bộ

Dàn nhạc ngũ âm với hai cồng lớn và nhỏ (Cuông - Tuôch và Cuông -Thôm).

1. Theo các nhà nghiên cứu về âm nhạc truyền thống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, dàn nhạc ngũ âm đã gắn bó với sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Khmer Nam bộ ở các phum sóc từ rất lâu đời. Có khá nhiều tư liệu của một số nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Khmer Nam bộ mô tả về dàn nhạc ngũ âm với hình dáng, cấu trúc và kỹ thuật sử dụng khi trình tấu rất độc đáo. Khi diễn tấu 7 loại nhạc khí sẽ tạo ra 5 âm thanh chuẩn khác nhau gồm âm thanh của đồng, sắt, gỗ, da và hơi. Trong đó, ấn tượng nhất là dàn cồng Cuông - Tuôch và Cuông - Thôm được làm bằng chất liệu đồng với 16 cái cồng nhỏ có núm được kết lại với nhau thành vòng có hình bán nguyệt. Khi các nhạc công diễn tấu phải ngồi, hoặc đứng trong vòng cung đó và dùng dùi để gõ. Tùy độ lớn, nhỏ, dày, mỏng của từng cái núm cồng nhỏ mà phát ra những âm thanh trầm, bổng, vang ngân khác nhau. Nhóm nhạc khí bằng chất liệu sắt, đồng còn có bộ cồng lớn và nhỏ Pét - cuông - thôn, Rô - niết - đek, Tà khê, đàn Khưm. Nhóm âm thanh bằng tre, gỗ gồn các loại đàn Rô - niết - ek (đàn thuyền), Rô - niết - đek gồm 26 thanh tre, hoặc gỗ hình chữ nhật dài 20 cm, rộng 5 cm, ghép với nhau thành chuỗi và Rô - niết - thung, bộ trống Sakhô - somphô, Sakhô - thôm, đàn cò và bộ trống Sa- dăm. Nhóm nhạc khí thổi hơi chủ yếu gồm các loại kèn như Srô - lây - tôck  (kèn nhỏ), Srô - lây - thung (kèn lớn), Sa-  rây-  lay- rom được làm bằng tre, ống kèn bằng gỗ quý. Nhóm làm bằng chất liệu da bò hoặc da trâu gồm trống Sampô có hai đầu bịt bằng da bò và bên cạnh còn đặt hai trống lớn được bịt bằng da trâu, khi diễn tấu các nhạc công dùng hai tay vỗ vào mặt trống…

Dàn nhạc ngũ âm với 7 loại nhạc khí.

Phần lớn các dàn nhạc ngũ âm đều được các nhạc công diễn tấu theo cách dùng vỗ chập chõe, hay còn gọi là chập chã để giữ nhịp. Trong đó nhạc cụ Rô- neat - ek giữ vai trò dồn bè, được coi là linh hồn của dàn nhạc ngũ âm. Chính vì thế trong dàn nhạc ngũ âm bắt buộc phải có các cặp nhạc khí Rô - neat - ek, Rô - neat - thung; Cuông - tuôch, Cuông - thôm và cặp trống lớn thì mới có đủ điều kiện để diễn tấu. Theo nghệ nhân Thạch Suôl (Trà Vinh) người đã có hơn 30 năm nghiên cứu, bảo tồn gìn giữ giá trị truyền thống dàn nhạc ngũ âm, thì xét về hình thức, dàn nhạc ngũ âm được thiết kế rất tinh xảo, đảm bảo tính thẩm mỹ và mỗi loại nhạc khí đều được định âm một cách chuẩn xác, đảm bảo được yếu tố hòa âm, phối khí của dàn nhạc. Trải qua thời gian dàn nhạc ngũ âm cũng có một số nhạc khí có thay đổi vài chi tiết trong tiết tấu âm nhạc, nhưng về cơ bản các nhạc khí cổ vẫn được giữ nguyên.         

Dàn nhạc ngũ âm với nhóm nhạc khí bằng tre, gỗ.

2. Từ lâu đời dàn nhạc ngũ âm luôn được coi như báu vật, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng Khmer Nam bộ tại các phum sóc. Theo truyền thống, trước đây, dàn nhạc ngũ âm dường như chỉ được trình diễn trong tất cả các Lễ Hội lớn, những ngày Tết cổ truyền dân tộc được tổ chức tại các ngôi chùa như: Sel - Done - Ta, Chnam - Thmay,Óc - Om - Bok, lễ dâng y, lễ dâng bông... Tuy nhiên, hiện nay do đời sống xã hội phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của cộng đồng Khmer tại các phum sóc được nâng cao, nên dàn nhạc ngũ âm cũng được mở rộng phạm vi “phủ sóng”. Là một dân tộc yêu nghệ thuật, đặc biệt là nhạc ngũ âm, nên trong cộng đồng Khmer Nam bộ hầu như ở phum sóc nào cũng có đội văn nghệ với dàn nhạc ngũ âm được bảo quản và sinh hoạt tại các ngôi chùa. Tại các ngôi chùa ở các phum sóc của đồng bào Khmer Nam bộ hiện nay, dàn nhạc ngũ âm thu hút rất đông đảo  thanh thiếu niên tham gia luyện tập. Thế hệ sau nối tiếp hệ trước cùng nhau góp phần vào việc gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa đặc sắc của văn hóa truyền thống. Chính vì thế, hiện nay xuất hiện rất nhiều dàn nhạc ngũ âm, của nhiều đội văn nghệ ở nhiều ngôi chùa của các phum sóc, vùng đồng bào Khmer sinh sống tham gia trình diễn tại các cuộc liên hoan nghệ thuật truyền thống, các ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch ở khu vực và toàn quốc gây được tiếng vang, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.

Dàn nhạc ngũ âm thu hút đông đảo thanh thiếu niên ở các phum sóc tham gia tập luyện.

Hầu hết các nhạc công của dàn nhạc ngũ âm hiện nay chủ yếu vẫn học các loại nhạc khí qua cách truyền nghề theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo một cách bài bản chính quy tại các trường nghệ thuật. Nhưng họ đều là những nhạc công chơi thuần thục các loại nhạc khí và nắm vững phương pháp hòa âm, phối khí. Nhờ sự đam mê và sáng tạo họ đã truyền cảm hứng cho người thưởng thức những tinh hoa đặc sắc của dàn nhạc ngũ âm, qua những bản nhạc truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Khi trình tấu những âm thanh đặc trưng réo rắt, rộn ràng, vang vọng, trong trẻo của dàn nhạc ngũ âm sẽ luôn làm cho không khí lễ hội, ngày Tết thêm tưng bừng, vui tươi, long trọng. Theo nghệ nhân ưu tú Thạch Cà Ri No (Trà Vinh), nhạc ngũ âm có nhiều bản phục vụ cho nhu cầu của từng hoàn cảnh riêng biệt trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong các Lễ Hội, ngày Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, dàn nhạc ngũ âm thường vang lên những giai điệu, tiết tấu của các bản Cai - noth và Cai - nai. Trong nghi thức cúng tế các đấng linh thiêng trời, Phật, tổ tiên thì trình tấu bản Trắc - Smai; trong lễ dâng y tấu bản Bol - Chươl…Ngoài ra dàn nhạc ngũ âm cũng có thể tách ra thành những nhạc cụ riêng lẻ để đệm cho các điệu múa Sa dzăm, Rom vong, Lam thone, và Dù kê…Có thể nói trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng Khmer Nam bộ nhạc ngũ âm vừa là nhạc giải trí, vừa là nhạc lễ, tùy trong từng hoàn cảnh mà được trình tấu với nhiều sắc thái, cung bậc cảm xúc khác nhau. Chính vì thế trong lễ hội mặc dù được quy tụ nhiều loại nhạc khí, với nhiều ban nhạc đến từ nhiều nơi, nhưng khi dàn nhạc ngũ âm được trình tấu, âm thanh những bản ngũ âm vang lên, bao giờ cũng có sức cuốn hút mời gọi những đôi trai gái nắm tay nhau cùng chìm vào những điệu dân vũ quyến rũ mê đắm, làm cho không khí đêm hội thêm lung linh huyền ảo...

Nhà thơ Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh