THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:57

Thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế): Dân sống dở, chết dở vì dự án “treo”

 

Không được xây dựng mới, ông Kha đành ngăn tạm một gian trong căn nhà chật hẹp làm nơi sinh hoạt riêng cho vợ chồng con cái mới cưới

Bỗng dưng dự án rơi xuống khu dân cư Thanh Nhạ

Năm 2012, UBND thị xã Hương Thủy thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư khu vực 1 (nay là khu vực 1, tổ 3, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy), với quy mô dự án là 11,17ha. Mục đích của dự án nhằm xây dựng quy đất ở để phân lô bán đấu giá.

Để thực hiện dự án nói trên, có 13 hộ dân xóm Thanh Nhạ bị di dời, giải tỏa và phải trả lại toàn bộ diện tích đất ở, đất vườn cùng nhà ở với tổng diện tích bị thu hồi khoảng 6.500m2.

Tuy nhiều đáng nói là UBND thị xã Hương Thủy có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất từ năm 2012. Nhưng từ năm 2012 đến nay, người dân xóm Thanh Nhạ không nhận được bất kỳ một văn bản nào văn bản hay thông báo nào để họp bàn về phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất; yêu cầu giải phóng mặt bằng, bàn giao đất bị thu hồi của các cơ quan có thẩm quyền.

“Từ khi có dự án, các cơ quan có thẩm quyền mới chỉ mời người dân chúng tôi về họp duy nhất một lần để thông báo sẽ thu hồi đất phục vụ dự án, chứ chưa có một thông báo nào về việc sẽ thu hồi đất ra sao, giá cả đền bù như thế nào. Mãi đến năm 2014, họ có 3 lần mời chúng tôi về phường Thủy Dương để nhận tiền đền bù, nhưng chúng tôi không đồng ý. Sau đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) thị xã Hương Thủy có mời chúng tôi về bốc thăm lô đất để tái định cư, nhưng là bốc trên giấy tờ, còn thực tế thì chúng tôi chưa được biết quỹ đất đó nằm ở đâu, ngang dọc thế nào”, ông Ngô Hữu Dũng, người dân xóm Thanh Nhạn trình bày.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 27/6/2014, Trung tâm PTQĐ thị xã Hương Thủy có mời những hộ dân bị thu hồi đất tại xóm Thanh Nhạ đến bốc thăm lô đất tái định cư mới, trong khi Trung tâm này chưa lập phương án tái định cư và chưa mời người dân để thống nhất. Đến ngày 31/7/2014, Trung tâm PTQĐ thị xã Hương Thủy mới chuyển cho UBND phường Thủy Dương phương án bố trí tái định cư cho dân khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư khu vực 1, Thủy Dương để niêm yết. Theo người dân, thì tại thời điểm đó họ thấy phương án được niêm yết này lại không đề ngày tháng ban hành.

Không chỉ thiếu thông tin về dự án, phương áp giá đền bù mà UBND thị xã Hương Thủy thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng tại xóm Thanh Nhạ cũng khiến người dân nơi đây không khỏi bức xúc. Được biết, đất của người dân xóm Thanh Nhạ được các hộ dân mua từ những năm 1990, 1991 từ Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Dương và bắt đầu lên ở từ những năm từ 1991 – 1993. Sau đó, theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, các hộ dân ở xóm Thanh Nhạ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng bao gồm cả đất ở nông thôn và đất vườn. Song giá đền bù mà thị xã Hương Thủy áp dụng bị người dân cho là quá thấp.

Cụ thể như trường hợp của gia đình ông Ngô Hữu Dũng có nhà 2 mặt tiền các đường Phùng Lưu và Trưng Nữ Vương cũng chỉ được áp giá 720 nghìn đồng/m2. Nhưng nếu so với các hộ liền kề thì trường hợp gia đình ông Dũng còn cao hơn một chút. Nằm ngay bên cạnh nhà ông Dũng là nhà và đất của gia đình ông Ngô Hữu Kha. Giá mà thị xã Hương Thủy áp đền bù cho đất thổ cư của gia đình ông Kha chỉ có 270 nghìn đồng/m2. So với giá thị trường hiện nay từ 3 – 3,5 triệu đồng/m2 đất khu vực này thì việc người dân tỏ ra không đồng thuận cũng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh giá đất, giá tài sản trên đất của người dân cũng bị đánh thấp đến mức khó hiểu: “Các anh nghĩ coi, vườn mai kiểng nhà tôi, khi tôi mua cây con về trồng nó bằng ngón tay giá cũng đã đắt rồi. Ấy vậy mà khi đền bù, cây đã bằng cổ tay mà họ chỉ áp giá có 2 nghìn đồng/cây; còn mấy cây lớn hơn một chút thì được 10 nghìn đồng/3 cây. Làm thế chả khác nào ép người dân”, ông Kha không khỏi bức xúc khi nói về giá đền bù mà nhà nước áp giá cho vườn mai của mình.

Ngoài ra, sự chênh lệch về diện tích cũng như giá đất tại nơi bị thu hồi và nơi tái định cư mới cũng khiến người dân thắc mắc. Đa phần trong sỏ đỏ của các hộ dân ở xóm Thanh Nhạ, phần đất ở đều từ 400m2 trở lên, nhưng ở tại nơi ở mới, mỗi hộ chỉ được mua lại 300m2 với mức giá cao hơn nhiều so với giá họ được bền bù. Chẳng hạn, đất gia đình ông Kha được đền bù 270 nghìn đồng/m2 thì tại nơi ở mới, ông phải mua lại với giá hơn 700 nghìn đồng/m2; đất gia đình ông Dũng được đền bù 720 nghìn đồng/m2, thì phải mua lại 960 nghìn đồng/m2,…

Sống dở, chết dở khi dự án bị “treo”

Từ sau năm 2014 cho đến nay, không hiểu vì lý do gì mà dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư khu vực 1 Thủy Dương không được triển khai thực hiện. Chính điều đó đã gây ra rất nhiều khó khăn, cản trở đời sống của người dân xóm Thanh Nhạ. Khi dự án bị “treo” nhiều công việc của họ cũng vì thế mà “treo” theo. “Dự án bỗng dưng rơi xuống, rồi nó cũng thình lình bị “treo” khiến đời sống của người dân chúng tôi gặp không ít khó khăn”, ông Ngô Văn Phú tỏ ra ngán ngẩm.

Đường dân sinh bị bỏ hoang

Do đoạn đầu đã bị bồi đất

Đặc biệt hơn, cũng từ thời điểm cuối năm 2014, khi dự án làm đường Trưng Nữ Vương nối dài đoạn đi qua xóm Thanh Nhạ bị dừng đột ngột, làm cho đời sống người dân ở đây càng trắc trở hơn. Bốn hộ gồm: Ngô Văn Phú, Ngô Văn Thọ, Lê Xuân Hạnh, Lê Thúc Mau trước đây đi chung 1 con đường dân sinh rộng 3m. Nhưng nay, con đường này đã bị bỏ hoang khi đoạn đầu đường này bị đơn vị thi công đường Trưng Nữ Vương bồi đất lấp mất. Hiện giờ, 4 gia đình này đành băng qua sân nhà nhau để đi về nhà cũng như ra đường lớn. Không những thế, nền đường Trưng Nữ Vương được làm cao hơn khu dân cư khá nhiều nên vào mùa mưa bão nước mưa đổ dồn hết vào xóm Thanh Nhạ, gây lầy lội, trơn trượt và chảy tràn ra đường dân sinh gây xói lở, hư hỏng đường khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn.

Các hộ dân đành băng qua sân nhà nhau để đi

Mặt khác, khi dự án mở đường Trưng Nữ Vương dừng đột ngột, một số đoạn còn đang khoét núi, san nền nên về mua nắng bụi đất đỏ dày hàng 10 – 15 cm. Khi có phương tiện giao thông đi lại, bụi đất đỏ sẽ “sộc” thẳng vào nhà dân; “còn gặp khi đang ăn cơm thì chỉ có bưng mâm cơm mà chạy hoặc lấy đồ mà che cho nhanh”, một người dân cho hay.

Cũng vì thực hiện dự án mở đường Trưng Nữ Vương mà nhà của bà Lê Thị Như Ánh bị nứt nẻ tường nhà, do đơn vị thi công dùng máy lu rung nén mặt đường. Khi nhận được tin báo của người dân, đoàn cán bộ kiểm tra của thị xã Hương Trà và phường Thủy Dương đã lên kiểm tra. Sau khi xem xét sự việc, đoàn kiểm tra này mong gia đình bà Ánh thông cảm, vì dự án xây dựng khu dân cư chỉ còn vài tháng nữa là thực hiện, nên cũng sắp phải dọn đi.

“Họ lên đông lắm, có Phó Chủ tịch thị xã và Phó Chủ tịch phường khi đó và cả nhân viên kỹ thuật nữa. Nhưng khi xem song thì họ bảo gia đình tôi thông cảm vì lợi ích chung, mà dự án khu dân cư cũng chỉ mấy tháng nữa là thực hiện, rồi gia đình cũng phải chuyển tới nơi ở mới. Ấy thế mà từ năm 2014 đến giờ đó, họ có làm đâu, còn nhà tôi nứt toác ra đó, xin sửa chữa thì họ bảo vướng quy hoạch nên không được sửa. Bí quá gia đình tôi đành phải về ở dưới nhà bà ngoại, căn nhà này giờ chỉ có buổi đêm thằng con tôi nó lên ngủ giữ nhà thôi”, theo lời bà Ánh.

Nhà bà Ánh bị hư hỏng, nứt tường nhưng không được sửa chữa vì vướng dự án

Cảnh nhà hư hỏng, nhà cũ, xuống cấp muốn sửa chữa hoặc đập đi xây mới, nhưng không thực hiện được do vướng dự án “treo” cũng chính là hoàn cảnh chung của tất cả các hộ dân ở xóm Thanh Nhạ hiện nay. “Năm ngoái thằng con trai tôi nó cưới vợ, tôi muốn xây thêm một cái phòng nữa cho vợ chồng nó được riêng tư nhưng đành chịu. Bí quá, tôi đành ngăn một gian nhà lại cho 2 đứa nó sinh hoạt. Nói thật là ở đây bây giờ mà có tiền muốn xây dựng cái gì cũng bó tay”, ông Ngô Hữu Kha cay đắng nói.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Quý Tư, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Dương thừa nhận việc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư khu vực 1 bị dừng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống của người dân. Ông cho rằng các cơ quan cấp trên cần sớm tiếp tục triển khai cả hai dự án nói trên để giải quyết triệt để các vấn đề.                                                                     

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh