CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

Dân bức xúc, phản đối vì qui chế quản lý Phủ Dầy

Khu vực hóa sớ được quy hoạch thành một điểm duy nhất ở đền

Quy chế mới ban hành này có tiền thân là đề án 02, do UBND huyện Vụ Bản thực hiện từ năm 2008, nhưng thất bại. Ông Phạm Đình Mậu, Phó chủ tịch UBND huyện kiêm tổ trưởng tổ soạn thảo cho biết, đề án có những bước làm chưa chặt chẽ, không hiệu quả. Đến tháng 5/2014, huyện tái khởi động Quy chế, căn cứ rất nhiều văn bản pháp luật, trong đó có thông tư liên tịch số 04 của Bộ VHTT&DL và Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, phần lớn người dân đều tỏ ra bất bình vì lo ngại thủ nhang quản lý di tích sẽ bị thay thế sau nhiệm kỳ 5 năm, bởi đối với họ, hiện tại, các thủ nhang đều được tín nhiệm và từ trước đến nay đều làm rất tốt công việc của mình. Hơn thế nữa, các thủ nhang có tâm có đức, đã có công bảo tồn, tôn tạo di tích Phủ Dầy từ bao năm nay.

Hàng năm Lễ hội Phủ Dầy thu hút rất đông khách thập phương về cúng lễ.

Ông Lê Hồng Lân - thủ nhang Lăng Mẫu (người cai quản các ngôi đền, phủ và tổ chức các nghi thức hành lễ) cho biết: Trước năm 1988, hoạt động nghi lễ chầu văn bị hạn chế, thậm chí có lúc được coi như một hoạt động mê tín dị đoan. Tất cả các di tích trong quần thể Phủ Dầy đều không được quản lý, bị xâm hại, hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, những thủ nhang của các phủ, lăng vẫn duy trì tín ngưỡng cho đến khi được khôi phục. Bằng công sức, của cải và tiền công đức của du khách thập phương, gia đình ông Lân cũng như những thủ nhang đã tu bổ, tôn tạo những di tích được khang trang như bây giờ.

Ông Lân bức xúc: “Khi các anh (UBND huyện-PV) ra đề án là 21 tuổi được ứng cử thủ nhang thì làm sao họ biết thờ cúng, làm sao biết lễ nghi? Tuy đề án ra sau này có chỉnh sửa, chấp nhận cho những người trông coi làm thủ nhang nhưng vẫn có mập mờ ở điểm bắt các thủ nhang hàng ngày, hàng quý phải báo cáo về UBND huyện tiền viết sớ, tiền dầu nhang, tiền công đức là bao nhiêu… chúng tôi có phải cơ quan nhà nước đâu. Chúng tôi hàng năm vẫn nộp ngân sách xã theo mức mà chính quyền quy định. Trước đó khi di tích còn hoang sơ, bị tàn phá thì chính quyền không đầu tư tu bổ, sau khi chúng tôi đã tôn tạo, gây dựng lăng, phủ và lễ hội bằng mồ hôi, tiền của, công sức thì họ lại vào đưa ra những yêu cầu vô lý mà không đếm xỉa đến công sức chúng tôi bỏ ra.”

Ông Lê Hồng Lân - thủ nhang Lăng Mẫu không đồng tình về nhiều điểm trong quy chế (ảnh sưu tầm)

Là người trong thôn, bà Trần Thị Thúy (85 tuổi), bà Trần Thị Quyền (93 tuổi) , xóm 3, xã Kim Thái chứng kiến di tích từ khi còn bị bỏ hoang cho đến lúc khang trang như ngày nay khẳng định: Công lao của những thủ nhang họ Lê trong quá trình bảo vệ, tu bổ, duy trì lễ lạt ai cũng biết. Quần thể di tích Phủ Dầy ngoài là nơi tín ngưỡng, tâm linh của cả nước thì đó còn là nơi thờ tự của con cháu họ tộc với tổ tiên. Vì vậy, việc để người khác ứng cử làm thủ nhang thì người dân không đồng ý. Ông Trần Thịnh Tuệ (cán bộ quân đội về hưu, xóm 3) không đồng tình với việc di dời chợ Viềng khỏi vị trí cũ. Đồng thời, theo nhiều phản hồi của người dân, họ không đồng tình với việc UBND huyện triệu tập bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, thủ nhang lên phổ biến và yêu cầu ký vào phiếu thăm dò về dự thảo QCQL Phủ Dầy khi họ chỉ được tiếp xúc, nghiên cứu quy chế trong 30 phút. Và việc bắt tháo dỡ biển cũ để thay tên Lăng Mẫu bằng tên phủ Thiên Hương cũng khiến người dân không đồng tình.

Phủ Tiên Hương (phủ chính) trong quần thể di tích Phủ Dầy (ảnh sưu tầm)

Trước những ý kiến còn băn khoăn của một số thủ nhang, và không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, ông Phạm Đình Mậu giải thích, Quy chế không nhằm mục đích thay thế các thủ nhang hiện nay, không đưa người của huyện, của xã về thay thế.

Theo ông Mậu, trước mắt, nếu các thủ nhang có nguyện vọng tiếp tục quản lý di tích thì làm đơn và cam kết thực hiện quản lý di tích đúng quy định của pháp luật, địa phương sẽ tiến hành bổ nhiệm trụ trì nhiệm kỳ đầu tiên thời hạn 5 năm. Hết nhiệm kỳ, người trụ trì nếu được nhân dân tín nhiệm có thể tiếp tục công việc. Bên cạnh đó, ông Mậu cũng cho rằng việc ban hành Quy chế là cần thiết nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của quần thể di tích quốc gia Phủ Dầy, tránh tư nhân hóa di tích.

Đăng Khoa (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh