THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:31

Đảm bảo tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử

* Ông đánh giá như thế nào về vai trò của truyền thông trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp?

- Mục  tiêu của chúng ta là phải có nhiều hơn các đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử, để đạt được mục tiêu này thì truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Phương tiện truyền thông là một lực lượng mạnh mẽ tạo ra sự thay đổi, trong đó ảnh hưởng lớn nhất của truyền thông trong chính trị là ở thời gian diễn ra các cuộc bầu cử. Truyền thông có thể đóng một vai trò có sức ảnh hưởng quyết định theo nhiều cách, nhằm giúp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị. Truyền thông tác động đến nhận thức và hình thành chính kiến. Khi đã có chính kiến thì chính kiến lại tác động đến hành vi. Và như vậy, bằng hoạt động của mình, truyền thông có thể đóng góp rất tích cực vào việc hoàn thành mục tiêu Đảng, Nhà nước đề ra.

* Trong các nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội có sự sụt giảm đáng kể, ông đánh giá về điều này như thế nào?

- Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định thì cần có ít nhất 30% đại diện trong cơ cấu bộ máy nhà nước. Chính vì vậy, chỉ tiêu tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng trong mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020. Đây cũng là thước đo quan trọng và cần có để đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới.

Các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội liên tục sụt giảm trong các kỳ gần đây, đó là xu thế không lành mạnh. Bởi, để các thiết chế đại diện các cơ quan quyền lực vận hành đúng đắn, thì tối thiểu phải có được 30% nữ đại biểu, vì đại biểu nữ  bổ sung giá trị gia tăng rất lớn cho hoạt động của cơ quan đại diện là Quốc hội và HĐND. Đại biểu nữ lắng nghe tốt hơn, do vậy, cử tri muốn có các đại biểu lắng nghe tiếng nói của mình thì hãy quan tâm đến ứng cử viên nữ. Cử tri muốn HĐND có một góc nhìn toàn diện hơn, một góc nhìn chi tiết đến thân phận từng người dân, thì từng cử tri hãy quan tâm đến các ứng cử viên nữ.

* Thưa ông, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc cử tri còn thiếu tin tưởng vào các ứng cử viên nữ, một phần do lỗi của truyền thông?

- Tôi nghĩ  do nhiều nguyên nhân, nhưng truyền thông làm tốt công việc của mình thì có khi lại có tác dụng ngược. Hiện nay, các thông điệp truyền thông liên quan đến bình đẳng giới nói chung và phụ nữ tham gia chính trị nói riêng, vẫn còn tập trung vào mô tả những khía cạnh tiêu cực như bạo lực gia đình; phụ nữ là lãnh đạo phải gánh thêm trách nhiệm do vừa phải cố gắng làm người lãnh đạo giỏi, vừa phải là người phụ nữ theo đúng chuẩn mực và truyền thống; hoặc, truyền thông đưa ra các lời kêu gọi mang tính khẩu hiệu chỉ định. Những thông tin như vậy cũng có đóng góp cho việc nâng cao nhận thức, tuy nhiên, sự lặp đi lặp lại những thông điệp như trên sẽ gây hiệu ứng ngược lại là "trơ" thông tin. Trong nhiều trường hợp có thể tạo phản ứng ngược lại, khiến cho các nỗ lực truyền thông không đạt kết quả như mong đợi.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng trao đổi với phóng viên báo chí.

* Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với tiếng nói của phụ nữ trong diễn đàn Quốc hội, cũng như thành tựu bình đẳng giới của Việt Nam, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng sẽ thuận lợi hơn vì người đứng đầu trong cơ quan lập pháp là nữ. Pháp luật là nền tảng pháp lý rất quan trọng để đảm bảo bình đẳng giới, nó phải được ghi nhận ở trong các qui định của các chính sách cụ thể; còn nếu chính sách không đảm bảo cân bằng giới ở trong đó thì khi thực hiện rất khó. Trong ban lãnh đạo của Quốc hội là nữ, thì có lẽ là một ưu điểm của nhiệm kỳ này và cũng là một thuận lợi. Tôi nghĩ là lãnh đạo sẽ đấu tranh cho sự bình đẳng giới. Nhưng cảm nhận được, hiểu vấn đề của giới nữ để soi vào chính sách, pháp luật từ quan điểm giới, thì đây là một cơ hội.

* Vậy theo ông, để có thể tạo được những hiệu ứng truyền thông, hướng đến cử tri bỏ phiếu ủng hộ cho nữ ứng cử, thời gian tới, các cơ quan truyền thông cần tập trung những vấn đề gì?

- Mình chưa có chiến lược và không có ai dẫn dắt, do vậy, để tạo được những kết quả như mong muốn, các cơ quan thông tấn, báo chí phải xây dựng chiến lược truyền thông và tạo ra những thông điệp mạnh có sức lan toả. Có được sự quan tâm của công chúng là không dễ, đặc biệt là với chủ đề khô khan như thế này, nhưng các cơ quan truyền thông phải làm sao để biến cái khó thành điều thú vị.

Tôi nghĩ rằng, truyền thông có thể làm nên sự khác biệt khi cử tri hiểu, đặc biệt là cử tri nữ, vì cử tri nữ là đa số, và lúc đó chúng ta có đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử nhiều hơn. Điều này sẽ rất hữu ích, bởi xây dựng chiến lược truyền thông ủng hộ cho phụ nữ không chỉ vì đất nước này, mà còn vì sự bình đẳng của phụ nữ Việt Nam, đó là mẹ mình, chị mình, thậm chí con gái mình.

* Xin cảm ơn ông!

N.SÍU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh