THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:15

Nâng tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan dân cử: Cần có chiến lược cụ thể

Khoảng cách còn xa 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết, mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu QH ở từng nhiệm kỳ có tăng, nhưng chưa thật bền vững. Cụ thể, số nữ đại biểu QH chiếm 21,77% ở khóa VII; 18% ở khóa VIII; 18,84% ở khóa IX; 26,2% ở khóa X; 27,31% ở khóa XI; 25,76% ở khoá XII, 24,4% ở khóa XIII.Tỷ lệ nữ đại biểu QH khóa XIII cho thấy sự sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây. Trong vòng 20 năm (từ năm 1987 đến năm 2007), đại biểu QH là nữ chỉ tăng được gần 4%.

Trong khi đó ở cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 25,17%, cấp quận, huyện, thị xã là 24,62% và cấp xã, phường, thị trấn là 21,71%. Kết quả trên cho thấy đã có sự gia tăng so với ba nhiệm kỳ gần nhất. Tuy nhiên, qua mỗi nhiệm kỳ, các tỷ lệ này chỉ tăng dao động trong khoảng trên, dưới 2%.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền và Thứ trưởng Đào Hồng Lan trao đổi với Đại biểu Quốc hội.

Nhìn chung, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa. “Chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ bước vào kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Để phấn đấu đạt 35% trở lên đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp, phải bảo đảm giới thiệu nữ ứng cử viên cao hơn tỷ lệ nói trên” – Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Bà Bùi Thị An, đại biểu QH TP. Hà Nội cho rằng, trong QH và HĐND phải có người đại diện cho các tầng lớp, các nhóm xã hội, trong đó bao gồm cả phụ nữ. Sự tham gia của các đại biểu nữ trong các cơ quan quyền lực này là cần thiết và có một tỷ lệ thích đáng không chỉ vì họ là một tầng lớp trong xã hội, mà còn bởi phụ nữ chiếm tỷ lệ hơn 50% dân số Việt Nam.  Theo bà An, việc quy định 35% là rất tiến bộ và hoàn toàn phù hợp. Vấn đề đặt ra là 35% này có khó khăn không. “Tôi nghĩ rằng đối với tổng thể thì không khó lắm nhưng đi vào từng địa phương nếu không có chuẩn bị trước thì 35% là khó”, bà An nói.

Chưa chú trọng phát hiện, đào tạo cán bộ nữ

Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo ở các cấp, bộ ngành, địa phương chưa đạt là do công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nữ còn chậm. Cùng với đó là việc triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ thiếu đồng bộ, chưa gắn nhiều với hoạt động lãnh đạo, quản lý các cấp.

 Bà Hồ Thị Thủy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng: “Các chính sách về bình đẳng giới là khá đầy đủ, từ các Nghị quyết của Đảng đến các văn bản luật nhưng vấn đề phụ nữ tham gia chính trị vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Qua giám sát cũng như thực tế, hầu như các địa phương đều chưa chú trọng công tác phát hiện, đào tạo cán bộ nữ. Cho nên, khi cần đến cơ cấu nữ mới “đốt đuốc” đi tìm. Lúc này, người trẻ thì chưa qua đào tạo, chưa đủ tiêu chuẩn, không trong cơ cấu; người đã qua đào tạo cơ bản, đủ điều kiện, tiêu biểu thì không còn trong độ tuổi”.

Hai nữ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Tòng Thị Phóng.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, thẳng thắn: “Vai trò của phụ nữ khi tham gia lĩnh vực chính trị nói chung và trong cơ quan dân cử nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức như: Các yếu tố văn hóa truyền thống và định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến, không chỉ xuất phát từ xã hội, gia đình, của nam giới đối với phụ nữ mà còn của chính bản thân phụ nữ. Vẫn còn những nữ ứng cử viên có tâm lý lo lắng, thiếu tự tin, cho rằng mình không đủ năng lực thuyết phục cử tri.

Bên cạnh đó, công tác cán bộ nữ hiện nay chưa có chiến lược cụ thể. Một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như tuổi hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đã hạn chế sự tham gia đóng góp của chị em phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà rõ nét nhất là trong tham gia quản lý, lãnh đạo”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nữ đại biểu trong QH còn thấp chưa đạt được so với yêu cầu là do, trong quy trình bầu cử chưa có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Nữ ứng cử viên thường phải gánh nhiều cơ cấu, dẫn đến cơ hội trúng cử thấp hơn nam giới. Tỷ lệ thành viên nữ thấp trong Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp địa phương có thể ảnh hưởng tới việc ai sẽ được lựa chọn trở thành người ứng cử. Nữ ứng cử viên thường phải xếp vào danh sách ứng cử cùng những người ứng cử có khả năng trúng cử cao hơn (thường là nam giới giữ chức vụ lãnh đạo cao hơn).

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, để đạt 35% trở lên đại biểu nữ trong QH và HĐND các cấp thì phải bảo đảm giới thiệu nữ ứng cử viên cao hơn tỷ lệ nói trên. Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam sẽ cùng với các cơ quan thành viên, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam  có những hoạt động tích cực hơn nữa để đạt được kết quả này. 

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh