CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:12

Tòa án tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính của UBND cấp huyện

 

Đảm bảo tính khách quan, độc lập trong xét xử.

Việc giao cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện là một điểm mới trong  dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) lần này, nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình xem xét, giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong thời gian qua.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang)

Phân tích những hạn chế trong Luật tố tụng hành chính hiện, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang), nói: hiện nay, mặc dù chủ trương cải cách tư pháp là tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện, bảo đảm cho thẩm phán và tòa án được độc lập xét xử. Song, do nhiều nguyên nhân khác nhau, TAND cấp huyện vẫn phụ thuộc nhiều vào cấp ủy và cơ quan hành chính nên tính độc lập của thẩm phán vẫn bị chi phối nhiều về mặt tổ chức nhân sự, và điều kiện tái bổ nhiệm.

“Điều này không những làm yếu đi vị thế vai trò của thẩm phán cấp huyện về lâu dài còn khiến cho người dân không tin tưởng nhiều vào Tòa án hành chính”, đại biểu Lan nói.

Vì vậy, việc giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ khiến cho tính độc lập, tính chuyên sâu của thẩm phán hành chính tăng cường và bảo đảm hơn. 

Đồng quan điểm với đại biểu Lan, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng cho rằng, đây là một quy định cần thiết và sẽ tháo gỡ được những khó khăn của thẩm phán TAND cấp huyện đang rơi vào tình thế khó có thể khách quan, vô tư được khi thi hành công vụ, khi được giao xử lý những vụ án có liên quan đến UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện.

“Việc quy định như trên là một biện pháp tất yếu, để đảm bảo tính khách quan, độc lập trong xét xử. Đồng thời, vừa giải tỏa được tư tưởng của thẩm phán, vừa đảm bảo cho người dân tin tưởng vào sự khách quan của tòa án”, đại biểu Hùng nhấn mạnh.

Luật sư và đương sự được tham gia tranh tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm

Đại biểu Lương Văn Thành (TP Hải Phòng)

Liên quan đến quy định bảo đảm tranh tụng trong tố tụng hành chính dự thảo Luật lần này đã cụ thể hóa các quan điểm, định hướng của Đảng cũng như quy định của Hiến pháp về tranh tụng trong xét xử như: Đưa ra khái niệm cụ thể về tranh tụng trong xét xử, bổ sung quy định quyền của đương sự về việc đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp và tham gia phiên họp xem xét việc thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án…Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu kỹ nội dung, mô hình tranh tụng tại từng giai đoạn để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), nhận định, đảm bảo tranh tụng trong tố tụng hành chính là một quy định mới. Song, đề nghị tòa án cần đảm bảo mọi tài liệu chứng cứ phải được xem xét công khai tại phiên tòa. “Quy định công khai ở đây phải được thể hiện tại phiên tòa chứ không phải công khai cho có hình thức”, đại biểu Thoại nhấn mạnh.

Cũng thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao về quy định về trình tự tranh tụng tại phiên tòa khá toàn diện và đầy đủ, đại biểu Lương Văn Thành (TP Hải Phòng), cho rằng: Đây là điểm tiến bộ mang tính đột phá của Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), và sẽ tạo nên một nền tư pháp tiên tiến, hiện đại.

Tuy nhiên, đại biểu Lương Văn Thành đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung, quy định rõ hơn việc tranh tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm. Bởi, đây là một thủ tục đặc biệt, không phải là một cấp xét xử. Hơn nữa, vai trò của luật sư và các đương sự tham gia tại phiên tòa giám đốc thẩm còn rất hạn chế.

Hà Huy Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh