THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:59

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em là con của phạm nhân

 

Lấy lợi ích của trẻ em là yếu tố hàng đầu

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho rằng, trẻ em dưới 36 tháng tuổi rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ. Chính vì thế, quy định cho phụ nữ bị phạt tù nuôi con dưới 36 tháng tuổi như Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là hợp lý. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, việc Dự án Luật  bổ sung quy định trẻ dưới 36 tháng tuổi được ở cùng bố trong trại giam là không hợp lý.

Theo đại biểu Cường, cần phải lấy lợi ích của trẻ em là yếu tố hàng đầu. Trẻ em dưới 36 tháng tuổi rất cần mẹ để chăm sóc vì thế nên khi phạm nhân là nữ được quyền tạm hoãn thi hành án để nuôi con nhỏ. Luật hôn nhân gia đình cũng có quy định trẻ em dưới 36 tháng được ở cùng mẹ khi bố mẹ ly hôn. Tuy nhiên, "Môi trường giam giữ chưa bao giờ thân thiện với trẻ nhỏ", do vậy ông Cường đề nghị cân nhắc kỹ quy định cho trẻ dưới 36 tháng tuổi ở cùng bố trong trại giam.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đề cập đến Khoản 3, Điều 50 quy định đối tượng trẻ em dưới 36 tháng tuổi được hưởng chế độ ăn như với bố mẹ, chế độ mặc, nhu yếu phẩm mỗi năm được quy định cụ thể về số bộ quần áo, khăn mặt, xà phòng… Đồng thời ở Điều 54, quy định khi các em mắc bệnh thông thường được khám và điều trị tại bệnh xá. Tiền thuốc cho trẻ em được cấp tương đương với 4kg gạo/tháng.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, cách tiếp cận trên của dự thảo luật chưa phù hợp với lợi ích tốt nhất cho trẻ em; chưa đảm bảo các quyền của các em. Bởi đối tượng trẻ em này không phải người phải thi hành án, mà là những trẻ còn rất nhỏ, có hoàn cảnh rất đáng thương”. Trong khi Luật Trẻ em chưa xếp các em này vào “hoàn cảnh đặc biệt”.

 

ĐB Nguyễn Văn Hiển cho rằng, cách tiếp cận của Dự án Luật phải đảm bảo lợi ích tốt nhất choTrẻ em


“Những trẻ em này cần phải có sự quan tâm đặc biệt, nhất là đảm bảo đúng theo quy định của Luật Trẻ em. Chế độ ăn cho những trẻ này không thể quy định theo định lượng, thành phần dinh dưỡng và quy định cụ thể như trong dự thảo là “như chế độ ăn của bố mẹ”. Đặc biệt, việc khám chữa bệnh cũng phải đúng theo quy định về BHYT là trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng 100% BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến. Mặt khác, theo quy định của Luật Trẻ em thì các quyền cơ bản của trẻ em trong trường hợp này cũng phải được đảm bảo, ví dụ quyền được trợ giúp duy trì mối quan hệ và tiếp xúc với cha mẹ, gia đình (điều 22); thì dự thảo luật cũng phải ghi rõ quyền của người cha, hoặc mẹ đến thăm nuôi cũng cần được ưu tiên về số lần và thời gian thăm nuôi nhiều hơn người bình thường” - ông Hiển nhấn mạnh. 

Cần quy định cụ thể về người đồng tính, người chuyển đổi giới tính để phân loại việc giam giữ riêng

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An bày tỏ sự đồng tình việc dự thảo Luật quy định "phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định được giới tính được bố trí giam giữ riêng".

Về việc giam giữ phạm nhân là người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính, nam thành nữ, nữ thành nam, bà Dung nói: "Ví dụ, anh A đã phẫu thuật để chuyển đổi giới tính. Nhưng giấy tờ vẫn là giới tính nam, về nguyên tắc phải giam chung với phạm nhân nam. Như vậy sẽ phát sinh phức tạp tại buồng giam".

Tuy nhiên, bà Dung băn khoăn hiện chưa có quy định pháp luật cụ thể về người đồng tính, người chuyển đổi giới tính. "Để quy định trên có tính khả thi thì cần xác định cơ sở pháp lý là cơ quan, cá nhân, văn bản nào có thẩm quyền xác định một người A, người B là đồng tính hay chuyển đổi giới tính, để cơ quan tư pháp căn cứ vào đó tổ chức thi hành án hình sự", bà Dung nói.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Long An cũng cho hay, pháp luật hiện hành chưa quy định bố trí nơi giam giữ riêng đối với người chưa xác định giới tính; mới chỉ có Luật hộ tịch năm 2014 quy định việc xác định lại giới tính là một trong những thủ tục đăng ký hộ tịch. Ngoài ra, trong bản án hình sự tuyên cho một người đều xác định là giới tính nam hoặc nữ chứ không có trường hợp "chưa xác định giới tính". Vì vậy, bà Dung đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định hiện hành để phân loại việc giam giữ riêng, đáp ứng thực tiễn và đồng bộ với hệ thống pháp luật.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh