CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:10

Đảm bảo đầu vào cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới


Thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Góp ý kiến tài liệu hướng dẫn các môn học lớp 5, lớp 9 trong Chương trình CTGDPT hiện hành đáp ứng yêu cầu CTGDPT 2018" do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 2/11.

Đảm bảo đầu vào cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, CTGDPT 2000 thực hiện đổi mới luân phiên từ lớp 1 đến lớp 12.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, CTGDPT 2000 thực hiện đổi mới luân phiên từ lớp 1 đến lớp 12. Năm 2000 bắt đầu triển khai lớp 1, đến năm 2012 mới kết thúc một vòng đời của CTGDPT 2000, tuy nhiên thời điểm đó chương trình đã bị phản ánh lạc hậu và khi vòng đời chương trình chưa kết thúc đã phải triển khai chương trình mới. "Lần thay đổi này, Bộ GD&ĐT chia theo từng giai đoạn, do đó chỉ sau 5 năm đã thực hiện xong 1 vòng xoay của CT,  sách giáo khoa (SGK) mới.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh tầm quan trọng và cần thiết xây dựng đầu vào của lớp 6 và lớp 10 CTGDPT mới. Muốn như vậy phải xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình lớp lớp 5, lớp 9 chương trình mới so với chuẩn đầu ra của chương trình lớp 5, lớp 9 của chương trình hiện hành. Từ sự khác biệt của 2 chương trình, cần tìm ra điều khác biệt bổ sung và tinh giản.

Cụ thể, khi so sánh giữa 2 chương trình GDPT hiện hành và GTGDPT mới có 3 trường hợp xảy ra: Trường hợp 1, chương trình hiện hành có nhưng chương trình mới chưa có cần phải bổ sung; Trường hợp 2, CT hiện hành không có nhưng chương trình mới có thì phải nghiên cứu tinh giản cho phù hợp; Trường hợp 3, cả 2 chương trình có như nhau nhưng cách tiếp cận cũ là tiếp cận nội dung, cách tiếp cận mới là tiếp cận năng lực thì phải có sự đổi mới phương pháp, cách dạy cách học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Do đó trong tài liệu hướng dẫn các môn học lớp 5, lớp 9 trong CTGDPT hiện hành đáp ứng yêu cầu CTGDPT 2018 sau vừa có sự hướng dẫn vừa bổ sung kiến thức CT hiện hành theo định hướng CT mới, giúp giáo viên không bị bất ngờ khi triển khai CTGDPT mới…

Đảm bảo đầu vào cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh 2.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành cho biết, đến năm học 2022 – 2023, học sinh học xong lớp 9 theo CTGDPT hiện hành sẽ vào học lớp 10 theo CTGDPT mới.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) lưu ý một số nội dung đối với thành phần làm nhiệm vụ góp ý kiến tài liệu hướng dẫn các môn học lớp 5, lớp 9 trong CTGDPT hiện hành đáp ứng yêu cầu CTGDPT 2018.

Theo đó, đến năm học 2022 – 2023, học sinh học xong lớp 9 theo CTGDPT hiện hành sẽ vào học lớp 10 theo CTGDPT mới. Để đảm bảo các điều kiện đầu vào cho học sinh theo chương trình mới, việc điều chỉnh về nội dung và phương pháp dạy học đối với lớp 9 năm học 2021- 2022 theo yêu cầu của CTGDPT mới cần được thực hiện, cụ thể, trong chương trình các môn học theo CTGDPT hiện hành, đối với mỗi nội dung, chủ đề dạy học được quy định theo mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng.

Trong chương trình các môn học theo CTGDPT mới, các nội dung, chủ đề dạy học đó được quy định yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh khi học xong các nội dung, chủ đề đó. Vì vậy, đối với các nội dung, chủ đề này cần được điều chỉnh từ mức độ cần đạt về kiến thức, kĩ năng sang yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực quy định trong chương trình mới.

Đảm bảo đầu vào cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh 3.

Hội thảo Góp ý kiến tài liệu hướng dẫn các môn học lớp 5, lớp 9 trong Chương trình CTGDPT hiện hành đáp ứng yêu cầu CTGDPT 2018.

Đối với các nội dung kiến thức có trong chương trình lớp 9 mới nhưng không có trong chương trình lớp 9 hiện hành cần bổ sung nội dung kiến thức mới vào chương trình môn học ở thời điểm phù hợp theo hướng: Bổ sung tích hợp vào các nội dung, chủ đề phù hợp để đảm bảo yêu cầu cần đạt theo chương trình mới; Bổ sung nội dung, chủ đề mới vào thời điểm phù hợp, bảo đảm HS có đủ kiến thức, kĩ năng để học thuận lợi.

Bên cạnh đó, đối với những nội dung kiến thức có trong chương trình môn học lớp 9 hiện hành nhưng không có trong chương trình lớp 9 cần tinh giản theo hướng, nếu các nội dung kiến thức đó HS không cần phải sử dụng để học các nội dung kiến thức khác trong chương trình môn học được tinh giản theo hướng không dạy, học làm, không thực hiện;

Nếu các nội dung kiến thức đó học sinh cần sử dụng để học nội dung kiến thức liên quan trong chương trình môn học sẽ tinh giản theo hướng "hướng dẫn học sinh tự học" hoặc tích hợp vào bài học, chủ đề cần sử dụng để tổ chức cho học sinh học tập cùng với kiến thức liên quan.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh