THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:15

Đảm bảo công tác an sinh xã hội - ổn định đời sống người dân

 Phát huy sức mạnh nội lực - Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

Trong những năm qua, Hà Tĩnh luôn quan tâm đến chính sách giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân; đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Phong trào thi đua "Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" huy động được mọi nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân. Hà Tĩnh là địa phương tiên phong, làm tốt công tác xã hội hóa hỗ trợ nhà ở, thu nhập cho hộ nghèo thuộc nhóm bảo trợ xã hội, người có công là thành viên hộ nghèo, đảm bảo mức sống tối thiểu của đối tượng cao hơn mức chuẩn nghèo.

Các chính sách giảm nghèo, đảm bảo ASXH được thể chế hóa thông qua nhiều Nghị quyết .của HĐND tỉnh Hà Tĩnh với 5 Nghị quyết của HĐND tỉnh: NQ số 35/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 về phê duyệt đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2020; NQ số 97/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 quy định mức hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phương tiện nghe - xem thuộc CTMTQG-GNBV giai đoạn 2016-2020; NQ số 151/NQ-HĐND tỉnh ngày 17/7/2019 về bổ sung một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo; NQ số 179/2019/NQ-HĐND ngày 15/12/2019 về việc quy định chính sách hỗ trợ thu nhập cho các thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 – 2025.

Hà Tĩnh: Đảm bảo công tác an sinh xã hội - ổn định đời sống người dân - Ảnh 1.

Phát triển cây chè cho XĐGN ở Hà Tĩnh

Ngoài ra, BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành: 1 chỉ thị, 11 kế hoạch , 57 Quyết định, 132 Công văn chỉ đạo triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền, phân bổ kịp thời nguồn lực từ CTMTQG của TW, các cấp chính quyền địa phương, nguồn lực xã hội hóa và gắn trách nhiệm của người dân ngay từ đầu nhiệm kỳ, với 10 chính sách chung và 5 dự án đặc thù, tổng kinh phí 7.400 tỷ đồng (sau gần 5 năm kết quả thực hiện hơn 11 ngàn tỷ đồng).

Trong 5 năm qua, Hà Tĩnh đã hỗ trợ về thu nhập cho 2.035 thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội và hộ nghèo thuộc NCC với số kinh phí gần 30 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Đề án xã hội hóa để hỗ trợ về thu nhập cho thành viên hộ nghèo thuộc chính sách BTXH, hỗ trợ thu nhập cho 6.642 thành viên hộ nghèo (3.134 người cao tuổi, 3.508 người khuyết tật) với số kinh phí 31.038 triệu đồng/năm từ nguồn do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ, góp phần giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến còn 3% (cuối năm 2020) giảm 8,4% so với đầu nhiệm kỳ (Bình quân hàng năm giảm 1,68%); hộ cận nghèo 4,00%, giảm 4,4% so với đầu nhiệm kỳ, không còn huyện nghèo; 26/29 xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã nghèo đặc biệt khó khăn miền núi; chỉ còn 06 xã biên giới được hỗ trợ đầu tư từ Chương trình 135. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1,5-2% (Tỷ lệ hộ nghèo còn 4,53% (cuối năm 2019), giảm 6,87% so với đầu nhiệm kỳ (11,4%).

Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức trợ giúp xã hội

Trong những năm qua, Hà Tĩnh luôn chú trọng và đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức trợ giúp xã hội, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, đời sống, tinh thần của đối tượng, giải phóng sức lao động, tiết kiệm kinh phí của thân nhân và gia đình, đảm bảo khả năng cân đối của NSNN. Thực hiện ngày càng tốt hơn các chương trình, đề án về chính sách xã hội đối với người cao tuổi, đề án trợ giúp người khuyết tật, người tâm thần kinh rối nhiễu tâm trí, người tàn tật nặng, người tàn tật đặc biệt nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc cho biết: "Trong thời gian tới, tiếp tục củng cố phát triển hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình, đề án, dự án về giảm nghèo, đảm bảo ASXH. Thực hiện rà soát để loại bỏ những chính sách không còn phù hợp hoặc sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn để hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội; cải thiện, nâng cao mức sống cho đối tượng xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng. Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, nhân đạo phi Chính phủ, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người thiệt thòi trong xã hội, phát triển và sử dụng có hiệu quả các quỹ từ thiện, nhân đạo".

"Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 151/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Đề án giảm nghèo bền vững; Thực hiện các chương trình, dự án về giảm nghèo. Tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của nhà nước cho các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo; lựa chọn chính sách để ưu tiên phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực; bảo đảm lồng ghép chính sách và nguồn lực có hiệu quả. Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Phát triển kinh tế - xã hội luôn gắn với đảm bảo An sinh xã hội" – Giám đốc Nguyễn Trí Lạc nhấn mạnh.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh