CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:25

Chính phủ luôn ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo qua hệ thống chính sách

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trong Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời".


Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Chủ trương nhất quán của Đảng về giảm nghèo

Mới đây, phát biểu trước Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam đã về đích về giảm nghèo trước 2 năm so với cam kết với quốc tế. Nói cách khác, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia thực hiện sớm nhất Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm nghèo. Thưa Bộ trưởng, dựa trên cơ sở hay chính sách giảm nghèo như thế nào mà chúng ta có thể đạt được kết quả như vậy?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Để đạt được mục tiêu là một trong những nước đi tiên phong trong việc giảm nghèo, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, đầu tiên phải nhắc đến đây là một chủ trương nhất quán rất cao của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có một nghị quyết riêng về công tác an sinh, trong đó lấy giảm nghèo là một trong những mục tiêu phấn đấu đạt được trong thời gian sớm nhất. Chính vì vậy, Chính phủ đã triển khai nghị quyết của Trung ương và ban hành rất nhiều chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ cho người nghèo. Ví dụ như hỗ trợ cho người nghèo về đất sản xuất, cho vay vốn để tạo điều kiện phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh phí thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng với mức cao để tạo điều kiện cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, miền núi thoát nghèo.

Về y tế, các hộ nghèo được hỗ trợ toàn bộ mệnh giá, hộ cận nghèo được hỗ trợ bằng 70% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, còn rất nhiều hỗ trợ về giáo dục, nhà ở, nước sạch. Trong mỗi chương trình, Chính phủ đều phân công 1 Bộ thực hiện và các Bộ đã thực hiện với một quyết tâm rất cao. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, Chính phủ vẫn dành nguồn lực thực hiện các chương trình hỗ trợ này. Chính phủ còn có riêng chương trình 30a hỗ trợ huyện nghèo đầu tư hạ tầng thiết yếu như công trình thủy lợi, công trình giao thông và những công trình thiết yếu khác phục vụ đời sống dân sinh tại những nơi khó khăn, giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất và đời sống khá hơn.

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền 

 

Lần đầu tiên sau 10 năm, Ngân hàng Thế giới đã nâng chuẩn nghèo quốc tế từ mức 1,25 USD/người/ngày lên mức 1,9 USD/người/ngày (tương tương 40.000 đồng/người/ngày). Vậy việc điều chỉnh này có ảnh hưởng gì đến chính sách đối với người nghèo của chúng ta hay không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Việc thay đổi chuẩn nghèo của thế giới sau 10 năm thì thực chất cũng chỉ bảo đảm tương đương giá trị mua của 1 USD. Đối với Việt Nam, chúng ta đã từng bước thực hiện nâng chuẩn nghèo. Ví dụ, trong giai đoạn 2006-2010, chuẩn nghèo của Việt Nam đối với vùng nông thôn là thu nhập dưới 200.000 đồng/người/tháng, thành thị là 260.000 đồng/người/tháng. Đến giai đoạn 2011-2015, chuẩn nghèo của Việt Nam đã lên mức 400.000 đồng/người/tháng ở vùng nông thôn, còn thành thị là 500.000 đồng/người/tháng. Giai đoạn tới (2016-2020), chuẩn này sẽ được nâng cao hơn, nhằm vừa bảo đảm giá trị mua của đồng tiền vừa bảo đảm mức sống, đồng thời có một phần cải thiện cho người nghèo.

 

Người nghèo cần được tiếp cận được những dịch vụ tối thiểu

Thưa Bộ trưởng, hiện tại chuẩn nghèo chủ yếu được xác định dựa trên thu nhập là chính. Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, một số người nghèo chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục hay nước sạch. Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng chuẩn nghèo mới, xin hỏi Bộ trưởng, chuẩn nghèo mới có tính đến các yếu tố khác ngoài thu nhập hay không?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Theo xu thế chung của thế giới, người nghèo không chỉ cần đủ ăn mà còn phải được tiếp cận được những dịch vụ tối thiểu. Vì vậy, đối với chuẩn nghèo trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã có chỉ đạo và chúng tôi đang trong quá trình xây dựng.

Chuẩn nghèo đa chiều này gồm đầu tiên là về thu nhập với mức thu nhập dự kiến cao hơn mức hiện nay. Ngoài ra, sẽ tính đến những yếu tố như người nghèo được tiếp cận với dịch vụ cơ bản, gồm y tế, giáo dục, nước sạch và thông tin. Như vậy, chuẩn nghèo đa chiều không chỉ tính tới vấn đề thu nhập mà còn tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được với các dịch vụ thiết yếu khác.

Thưa Bộ trưởng, trước đây, nguồn lực quốc gia dành cho giảm nghèo được chia cho rất nhiều chương trình, dẫn đến tình trạng nơi thì chồng chéo, nơi thì không đủ nguồn lực. Thực tế này đã được Bộ LĐ-TB&XH tham mưu với Chính phủ như thế nào để có thể nâng cao hiệu quả của các chương trình giảm nghèo?

Người nghèo sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ cơ bản: y tế, giáo dục, thông tin...

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Thứ nhất, chúng ta cần rà soát lại toàn bộ chính sách đối với người nghèo, trên cơ sở đó, phân công lại trách nhiệm của mỗi ngành trong từng lĩnh vực. Ví dụ như về chăm sóc sức khỏe thì giao cho ngành y tế; về giáo dục thì ngành giáo dục chịu trách nhiệm; về đất ở, nhà ở và hỗ trợ chăm sóc bảo vệ rừng thì ngành nông nghiệp. Tức là, mỗi ngành phải có trách nhiệm cụ thể trong thực hiện từng chỉ tiêu giảm nghèo.

Đồng thời, chúng ta chuyển từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia xuống còn 2 chương trình, gồm chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Như vậy, nguồn lực của cộng đồng và của Nhà nước sẽ tập trung hơn cho các đối tượng nghèo, địa phương nghèo.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Vân Khánh( lược ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh