CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:27

Đảm bảo an sinh xã hội cho người yếu thế

Thanh niên tình nguyện trao quà cho các trẻ em trong khu cách ly tại Thuận An (Bình Dương). Ảnh minh hoạ.

Thanh niên tình nguyện trao quà cho các trẻ em trong khu cách ly tại Thuận An (Bình Dương). Ảnh minh hoạ.

 

Nghị định 20/2021/NĐ-CP ra đời rất đúng lúc

Thấu hiểu điều này, ngày 15/3/2021 Nghị định Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã được ban hành (gọi tắt là Nghị định 20). Với tinh thần khẩn trương, ngày 24/6/2021 Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 20 của Chính phủ do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi ký.

Nội dung quan trọng đầu tiên của Nghị định 20 là sẽ bổ sung thêm đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ ngày 01/7/2021. Theo đó, 8 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; Người thuộc diện quy định trên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang đi học sẽ được trợ giúp tối đa không quá 22 tuổi; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang một mình nuôi con dưới 16 tuổi, hoặc con từ 16 đến 22 tuổi đang đi học; Người cao tuổi thuộc thuộc diện hộ nghèo không có người nuôi dưỡng, người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo; Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật; Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các mục (một), (ba) và (sáu) đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn (đây là một quy định mới); Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.

Nội dung quan trọng thứ hai là tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270.000 đồng lên 360.000 đồng/tháng. Mức tăng này nhằm bảo đảm mức sinh hoạt tương đối ổn định khi giá cả có biến động. Đây là sự sâu sát của cấp ra chính sách.

Nghị định 20 còn chỉ rõ: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập do lý do bất khả kháng thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà tối thiểu 40 triệu đồng/hộ. Đối với trường hợp phải di dời nhà khẩn cấp với nguyên do tương tự thì được xem xét hỗ trợ mức tối thiểu là 30 triệu đồng/hộ.

Ngoài ra, Nghị định 20 cũng quy định nhiều loại đối tượng đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ trong các trường hợp đặc biệt; ví dụ hưởng trợ cấp hỗ trợ chi phí mai táng với mức tối thiểu là 7,2 triệu đồng. Nghị định 20 còn chỉ rõ việc hỗ trợ gạo, tiền cho các đối tượng thiếu đói khi Tết Nguyên đán đang đến gần; những đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng được quan tâm, trợi giúp.

Nhìn chung, Nghị định 20 ra đời đúng lúc nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện cả nước dồn sức chống đại dịch Covid-19.

Cần tổ chức thực hiện Nghị định 20 nghiêm túc, hiệu quả

Nghị định 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Như vậy cho đến nay Nghị định 20 đã có hiệu lực được 6 tháng. Đây là khoảng thời gian đủ để các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một nghị định có nội dung thiết thực, ra đời đúng thời điểm.

Vẫn biết việc thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội trên diện rộng bao giờ cũng gặp phải những rắc rối, khó khăn, phức tạp mà cán bộ cơ sở chưa lường trước được. Ví dụ, việc khai báo thiệt hại vì thiên tai luôn luôn có những sai số đáng kể. Nếu làm sai, cán bộ phải chịu kỷ luật. Để làm đúng, làm nghiêm túc thì cán bộ cơ sở dễ mắc phải bệnh cứng nhắc khiến dư luận xã hội không đồng tình. Ví dụ, trường hợp hỗ trợ bão lụt cho một hộ gia đình chỉ với mức... 2.000 đồng (hai ngàn đồng) đã khiến nhiều người bức xúc.

Do vậy, để thực hiện tốt Nghị định 20, các cơ quan chức năng của ngành LĐ-TB&XH phải vào cuộc, phải tư vấn cho những người trực tiếp giải quyết các chế độ, chính sách. Cán bộ của các tổ chức Phụ nữ, Công đoàn, các Hội cũng cần quan tâm và hỗ trợ khi cần thiết. Báo chí, truyền thông cũng cần vào tích cực vào cuộc, thông tin chính xác những nội dung cần thực hiện. Nếu ở những nơi nào đó vướng mắc, cần khẩn trương và bình tĩnh tháo gỡ.

Xin được lưu ý là thực tế cuộc sống khi nào cũng đa dạng, phong phú, phức tạp hơn những gì mà các văn bản pháp quy đã quy định. Đây gần như là một chân lý. Vì vậy, dù Nghị định 20 của Chính phủ đã cố gắng cụ thể hóa các đối tượng được trợ giúp và mức được trợ giúp nhưng khi đi vào cuộc sống, thế nào cũng có những trường hợp có thể gây tránh cãi, thậm chí có thể gây kiện tụng, khiếu nại... Đây cũng là những điều bình thường trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất lúc này là cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương phải làm việc với sự tận tâm của mình.

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mùa Giáng sinh đang đến, Tết Nguyên đán cũng đang nhắc nhở mọi người chuẩn bị... Đây là thời điểm chúng ta cần quan tâm đến nhau hơn, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, đón mùa lễ hội an toàn, vui vẻ. Với nội dung thiết thực của Nghị định số 20, với Thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, thiết nghĩ các đối tượng gặp khó khăn sẽ được trợ giúp những thứ cần thiết đúng thời điểm.

Hồ Trọng Đàm

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh