Đắk Nông: Phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở lên
- Dược liệu
- 17:38 - 10/09/2017
Trong năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 0,06%
Trong năm 2016, tỉnh Đắk Nông chi hơn 800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, kinh phí thuộc các dự án, đề án, vốn tín dụng là 536,4 tỷ đồng; kinh phí thuộc các chương trình, dự án y tế, giáo dục, nhà ở là 251,273 tỷ đồng; từ Nghị quyết 30a là 14,7 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 19,20%, giảm 0,06% so với năm 2015 (19,26%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao, với 40,38%.
Năm 2017, nguồn kinh phí dự kiến là 161,712 tỷ đồng năm 2017 hiện chưa thực hiện.
Với các nguồn kinh phí trên, tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho một số địa bàn trọng điểm, hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở lên, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3%, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020); 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiêp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Để đạt được kế hoạch trên, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo chung và giảm nghèo đặc thù; triển khai thực hiện chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, có biện pháp tăng cường nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức vay tối đa quy định và gắn trách nhiệm, cam kết sử dụng nguồn vay vốn đúng mục đích, hiệu quả và tác động đến khả năng thoát nghèo của các hộ nghèo.
Tỉnh cũng đề nghị ngành chức năng thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy trình, nắm chắc biến động hộ nghèo, kiểm soát chặt hộ nghèo phát sinh mới, tình trạng tách hộ nghèo, dân di cư chuyển đến; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo về ý thức tự lực trong lao động sản xuất, thay đổi tư duy, thói quen canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại Nhà nước.