Đắk Nông: Nước sinh hoạt nhiễm asen, công trình nước sạch hoạt động ì ạch
- Dược liệu
- 23:55 - 30/08/2017
Bất an vì thông tin nước nhiễm asen
Những ngày gần đây, người dân xã Đức Xuyên (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) không khỏi lo lắng trước thông tin nguồn nước sinh hoạt của xã nhiễm asen nặng. Từ nguồn nước ngầm, nước trên sông suối đến nguồn nước đã qua xử lý đều có hàm lượng asen cao gấp nhiều lần so với quy chuẩn.
Người dân bất an vì nguồn nước của xã bị nhiễm asen nặng.
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, kết quả xét nghiệm chất lượng nước tại công trình cấp nước tập trung xã Đức Xuyên do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông thực hiện cho thấy nồng độ asen trong nước vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT.
Ngày 8/6, đơn vị này thành lập đoàn công tác để giám sát, đánh giá lần 2. Kết quả cho thấy hàm lượng asen trong các mẫu nước đều vượt từ 2-7 lần, cá biệt có mẫu vượt tới 20 lần.
Anh Phan Thanh Bình (ngụ thôn Xuyên Hải) cho biết, nhận thấy nước sinh hoạt của gia đình có điểm bất thường nên nhiều người đã phản ánh lên xã. Sau đó, cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông và huyện Krông Nô có về xét nghiệm. Đầu tháng 6 vừa rồi dân mới biết nguồn nước của xã bị nhiễm asen.
Không chỉ nước tại công trình cấp nước tập trung mà nước giếng khoan, nước giếng đào của người dân đều ghi nhận nhiễm asen.
Từ kết quả trên, Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Nông khẳng định có sự ô nhiễm asen trong nước sinh hoạt tại xã Đức Xuyên.
Ông Nguyễn Văn Vinh (ngụ thôn Xuyên Tân) cho biết, nhiều hộ dân tại xã sau khi biết được thông tin nguồn nước bị nhiễm asen đã chuyển sang dùng nước mưa hoặc mua nước bình. Mặc dù mỗi bình nước loại 20 lít/bình, có giá 15.000-20.000 đồng, và chỉ sử dụng được một hai ngày nhưng bà con vẫn phải “bấm bụng” mua về dùng.
“Nguyện vọng của người dân chúng tôi hiện nay là mong muốn ngành chức năng sớm xử lý tình trạng nước chứa asen, để người dân ổn định cuộc sống”, ông Vinh bày tỏ.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông, trong tháng 7, ngành y tế có về địa phương tổ chức một đợt khám sức khỏe miễn phí cho hơn 400 người dân trong xã.
Đoàn đã lấy 350 mẫu nước tiểu của người dân gửi đi xét nghiệm. Kết quả 35 mẫu đầu tiên cho thấy có tới 32 mẫu có hàm lượng asen vượt ngưỡng an toàn cho phép, trong đó cao nhất gần 8 lần.
Công trình nước sạch hư hỏng, xuống cấp
Trước tình trạng nguồn nước tự nhiên của xã có hàm lượng asen cao hơn quy chuẩn song công trình cấp nước tập trung xã Đức Xuyên lại hoạt động kém hiệu quả. Theo thiết kế, công trình có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng này sẽ cấp nước sạch cho gần 3.500 nhân khẩu, nhưng thực tế toàn xã chỉ có hơn 1.500 nhân khẩu được cấp nước.
Từ ngày đi vào vận hành, nhiều hạng mục xử lý nước thiết yếu đã không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Công trình cung cấp nước 16 tỷ đồng có nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp dẫn đến chất lượng nguồn nước không đảm bảo.
Ông Hồ Quốc Sử, nhân viên vận hành nhà máy nước cho biết, nhiều hạng mục của công trình xử lý nước đã bị hỏng, không hoạt động hoặc hoạt động không thường xuyên từ năm 2015. Trong đó, hệ thống bơm khử trùng và hệ thống đánh phèn đều không hoạt động và đã bị hư hỏng từ lâu. Đây là hai hệ thống quan trọng vì có tác dụng khử trùng, vi vinh vật trong nước và lắng cặn, kết tủa sắt.
Ngoài ra, theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng hồi cuối tháng 7/2017, bên cạnh hệ thống khử trùng và hệ thống đánh phèn đã hư hỏng, không hoạt động, thì các hạng mục bể lắng, bể chứa đều không được súc rửa, vệ sinh nên đều không đạt yêu cầu. Nhiều hạng mục liên quan trực tiếp đến quá trình xử lý nước không hoạt động, hư hỏng và mất vệ sinh…
Ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên cho biết, sau khi nhận bàn giao công trình, xã giao cho Tổ quản lý nước quản lý, điều hành. Tuy nhiên, do chưa được tâp huấn chỉ dẫn cách vận hành, máy sục clo bị hỏng đã lâu nên nhân viên của trạm đổ thẳng clo vào bể chứa.
Tới thời điểm hiện tại, công trình này có một vài hạng mục xuống cấp, hư hỏng nhưng vẫn chưa được sửa chữa nên nhiều công đoạn, không tuân thủ quy trình xử lý.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, nhiều hạng mục công trình cung cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp nên địa phương đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng để sửa chữa, bảo trì hệ thống nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Sau khi có kết quả nước bị nhiễm asen, UBND xã cũng đã cho súc sửa, cải tạo hệ thống lọc và tiến hành dọn dẹp, vệ sinh môi trường xung quanh.
“Trước tình trạng nước bị nhiễm asen, địa phương đã thông báo, khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nguồn nước trực tiếp từ công trình cấp nước tập trung, nước các giếng khoan, giếng đào và nên sử dụng nước mưa, nước đã qua hệ thống lọc…”, ông Hùng thông tin.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Krông Nô, đơn vị đầu tư dự án cho biết, hơn 2 năm đi vào hoạt động nhưng việc tập huấn chưa thực hiện được là do chưa có lớp tập huấn (do cấp trên tổ chức) nên chưa gửi đi được.
Công trình được bảo hành trong vòng 12 tháng, trong thời gian này đơn vị đã biết hệ thống sục clo và lắng phèn hoạt động “yếu” nên đã phối hợp với các bên để xử lý, sửa chữa, khắc phục. Sau khi bàn giao hẳn cho xã quản lý đầu năm 2015 thì hệ thống sục clo nói riêng và toàn bộ quy trình xử lý nước hoạt động thế nào thì đơn vị không nắm được.