THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:50

Đắk Nông: Đến cuối năm 2018 còn hơn 21 nghìn hộ nghèo

 

Theo đó, so với năm 2016, tổng hộ nghèo của tỉnh giảm 5,69%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 15,22%. Kết quả giảm nghèo hàng năm đều đạt trên 2%, trong đó giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số tại chỗ đạt trên 4%. Kết quả đã vượt mục tiêu do Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra (tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đạt 2%).

 

Người dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

 

Đạt được kết quả này là nhờ trong những năm qua, ngoài việc thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đặc thù như: Hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016 -2020; Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 -2020... Công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh đặc biệt quan tâm và có các chính sách như: hỗ trợ lãi suất cải thiện nhà ở; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; hỗ trợ lãi suất phát triển sản xuất; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo... Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã huy động được trên 248,6 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh Đắk Nông có giảm nhưng không bền vững. Đắk Glong là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh. Theo đánh giá của UBND huyện, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 5,11% -7,13%/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong 8 năm triển khai thực hiện chương trình, toàn huyện đã có 5.685 hộ thoát nghèo. Thực tế thì số hộ thoát nghèo hàng năm của huyện khá lớn, nhưng số hộ nghèo năm sau so với năm trước lại giảm không đáng kể.

Điển hình như năm 2016, toàn huyện có 9.229 hộ nghèo, chiếm trên 62%, trong đó giảm được 451 hộ nghèo so với năm 2015. Đến năm 2017, trong tổng số 8.903 hộ nghèo có đến 850 hộ thoát nghèo, nhưng số hộ nghèo chỉ giảm được 326 hộ so với năm 2016. Đến năm 2018, trong tổng số 7.876 hộ nghèo có đến 1.311 hộ thoát nghèo nhưng chỉ có 1.027 hộ nghèo, giảm so với năm 2017.

Tại huyện Tuy Đức, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo các năm có giảm nhưng giảm không ổn định, thậm chí năm sau cao hơn năm trước. Điển hình như tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 toàn huyện tăng 4,89% so với năm 2017, tương đương tăng 928 hộ. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn huyện tuy giảm 6,79% nhưng tỷ lệ hộ nghèo DTTS lại tăng lên 1,75% và hộ nghèo DTTS tại chỗ tăng 1,36%. Đối với hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm hàng năm không ổn định. Cụ thể, cuối năm 2016 tỷ lệ hộ cận nghèo giảm được 2,1%, tương đương giảm 234 hộ nhưng hộ cận nghèo DTTS lại tăng 4,75% và hộ cận nghèo DTTS tại chỗ tăng 5,11%.

Qua giám sát thực tế, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị, vì mỗi huyện đều có những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nên cần có những giải pháp đặc thù riêng.

Vì thế, mỗi huyện cần xác định rõ hơn nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tỷ lệ hộ nghèo cao tại địa phương mình. Từ đó, các huyện tập trung những giải pháp sát thực và phù hợp hơn nhằm có sự tác động thực sự, góp phần gỡ khó trong quá trình triển khai. Điển hình như huyện Tuy Đức, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ kết hợp cung cấp những kiến thức, mô hình làm kinh tế phù hợp để phát huy nguồn vốn. Còn huyện Đắk Glong có số lượng xã nghèo nhiều nên xác định rõ đặc điểm của từng xã để tập trung đầu tư theo từng tiêu chí cụ thể trong các năm, các giai đoạn. Huyện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền một cách sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của công tác giảm nghèo. Từ nhận thức sâu sắc sẽ phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của cộng đồng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh