THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 01:39

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước còn dưới 1,5%

 

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay, đã có trên 178 nghìn lượt hộ nghèo, hộ thoát nghèo được sử dụng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất và tạo điều kiện cho con em đi học, doanh số cho vay đến nay đạt hơn 1.101 tỷ đồng với trên 56.227 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó cho vay hộ nghèo 18.226 hộ, hộ cận nghèo 16.232 hộ, hộ mới thoát nghèo 8.567 hộ và hàng ngàn hộ được giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động...

 

Dạy nghề cho người nghèo.

 

Ngay sau khi có kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn các huyện, thành, thị, và các xã, phường, thị trấn lập danh sách người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn cấp thẻ BHYT và chuyển danh sách về Sở LĐ-TB&XH tổng hợp. Từ số liệu do các huyện, thị chuyển về, Sở LĐ- TB&XH kiểm tra, rà soát tổng hợp, trình UBND tỉnh, đồng gửi Sở tài chính thẩm định để tham mưu trình UBND tỉnh xem xét quyết định mua, cấp thẻ BHYT người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Thẻ BHYT người nghèo, cận nghèo được thực hiện sớm và cơ bản in xong thẻ trước ngày 10/1  hàng năm, trong 3 năm 2016 -2016 bằng nguồn ngân sách tỉnh đã mua 122.595 thẻ BHYT thẻ BHYT người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, kinh phí thực hiện 78.534 triệu đồng.  Để giúp hộ mới thoát nghèo cũng như hộ có điều kiện khó khăn được hỗ trợ chăm sóc y tế từ đó hạn chế phát sinh nghèo, tái nghèo, đảm bảo công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, từ năm 2016 đến nay tỉnh đã 13.409 thẻ BHYT cho người cận nghèo toàn tỉnh, kinh phí thực hiện  82.101 triệu đồng.

Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg  ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 07/3/2016 Phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015  trên địa tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định có nhu cầu vay vốn, được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay 3%/năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay. Năm 2017 UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành MTTQ, Sở LĐ- TB&XH, Sở Xây dựng tiếp tục rà soát hộ nghèo có khó khăn về nhà ở theo chuẩn nghèo giai đoạn mới với các tiêu chí rõ ràng và chặt chẽ hơn, đảm bảo việc hỗ trợ nhà Đại đoàn đoàn kết đến đúng đối tượng, công khai và minh bạch, tổng số 1.381 hộ nghèo khó khăn về nhà ở theo Đề án được phê duyệt, năm 2017 (tính đến 31/12/2017). Từ năm 2016 đến nay, có trên 380 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở với số tiền trên 6.500 triệu đồng

 

Tặng bò giống cho hộ nghèo.

 

Với mục đích tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động thuộc diện hộ nghèo, có trình độ văn hoá, có sức khỏe, có nhu cầu học nghề hoặc chuyển đổi nghề được học nghề phù hợp, sau khi học nghề được các đơn vị dạy nghề giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến hết tháng 6/2018, triển khai Nghị quyết 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về một số  chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc  đã có trên 1.286 học sinh, sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo được hỗ trợ học nghề. Tổng kinh phí thực hiện ước đạt hơn 1,2 tỷ đồng.  

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định, xuất khẩu lao động là một giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Đây là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế-văn hóa-khoa học kỹ thuật. Trong đó, các chính sách của tỉnh về hỗ trợ kinh phí cho người lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một giải pháp hiệu quả nhằm động viên, khuyến khích và giúp người lao động giảm bớt khó khăn về kinh phí khi tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ năm 2016 đến nay đã có 467 người nghèo, người cận nghèo, người thuộc gia đình mới thoát nghèo được hỗ trợ số tiền 312,6 triệu đồng.

 Triển khai chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, đời sống người dân vùng nông thôn, dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm còn dưới 1,5%. Cụ thể, năm 2016, toàn tỉnh còn 11.901 hộ nghèo tiếp cận đa chiều, chiếm 3,93 %, so với cuối năm 2015 (đầu năm 2016) toàn tỉnh giảm được 2.511 hộ nghèo tiếp cận đa chiều, tương đương tỷ lệ giảm 1,03%. Năm 2018, toàn tỉnh còn 6.921 hộ nghèo tiếp cận đa chiều, chiếm 2,11 %, so với cuối năm 2017 (đầu năm 2018) toàn tỉnh giảm được 2.447 hộ nghèo tiếp cận đa chiều, tương đương tỷ lệ giảm 0,82% so với cuối năm 2017. Năm 2019, theo ước tính toàn tỉnh giảm được khoảng trên 2.400 hộ nghèo, tương đương giảm 0,65%, dự kiến đến cuối năm 2019 ước tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,5% (khoảng 1,46%)”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn thông tin

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, độ bao phủ chính sách vẫn còn bộc lộ một số khó khăn. Tại một số địa bàn trong tỉnh giảm nghèo chưa thực sự bền vững, người dân ở vùng dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng đô thị hóa và thất nghiệp ở thành thị vẫn còn. Nguồn lực để thực hiện chính  sách giảm nghèo còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách tỉnh. Đầu tư cho an sinh xã hội của tỉnh nói chung, giảm nghèo nói riêng nhìn chung mới đáp ứng được yêu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng của người dân, trong khi đó huy động từ các nguồn khác, đặc biệt từ cộng đồng còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn, vùng khó khăn của tỉnh.

LÊ QUỲNH TRANG - Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh