Đắk Lắk triển khai công tác rà soát hộ nghèo đúng tiến độ thời gian quy định
- Dược liệu
- 16:29 - 16/12/2021
- Đắk Lắk làm tốt công tác rà soát hộ nghèo
- Hà Tĩnh huy động 10.155 cán bộ, điều tra viên trực tiếp tham gia rà soát hộ nghèo xác định hộ nông dân, ngư nghiệp
- Quảng Nam tập trung thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021
- Quảng Bình tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo
Những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện, ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng, nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo, hàng chục triệu hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả, nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới.
Thực hiện Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18/7/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025 và mẫu biểu báo cáo, để triển khai công tác rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 và giai đoạn 2022-2025, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện các nội dung như: Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025, đồng thời xây dựng quy chế hoạt động và phân công địa bàn phụ trách cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo. Ban hành kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2021. Bố trí kinh phí thực hiện công tác rà soát hộ nghèo năm 2021 từ nguồn ngân sách tỉnh…
Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, để triển khai công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo đúng tiến độ thời gian quy định của Trung ương, tỉnh (phấn đấu hoàn thành trước ngày 20/12/2021), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã chủ động triển khai thực hiện các nội dung phù hợp với tình hình dịch bệnh như: Tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2021 cho 214 cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã. Thành lập 4 tổ kiểm tra, theo dõi công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng phóng sự truyền hình, phát thanh và bài viết tuyên truyền về công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Thống nhất phiếu, biểu mẫu rà soát để in và cấp phát cho các địa phương tổ chức rà soát.
Bên cạnh đó, để thực hiện công tác rà soát đúng quy định, phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo trên địa bàn, không để bỏ sót, lọt đối tượng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai các nội dung như: Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí tổ chức rà soát, chỉ đạo các phòng, ban liên quan, Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 trên địa bàn. Tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ rà soát cho gần 2.500 rà soát viên thôn, buôn, tổ dân phố. Thực hiện nghiêm túc quy trình, phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, hướng dẫn áp dụng tiêu chí, chỉ số đo lường nghèo đa chiều phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương.
Trong quá trình thực hiện, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được lấy ý kiến thống nhất của người dân theo quy định và được niêm yết, thông báo công khai. Tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 đến cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, đặc biệt là người dân để biết, tham gia thực hiện.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đang tích cực, tập trung triển khai rà soát nhằm đảm bảo tiến độ theo quy định. Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát; đồng thời tổ chức kiểm tra, theo dõi công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm phát hiện kịp thời những sai sót, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh và chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong quá trình rà soát nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy trình, tiến độ, chuẩn xác và chất lượng trong công tác rà soát năm 2021, là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022-2025.
Để đảm bảo tiến độ, Ban chỉ đạo các huyện, thị, thành phố phải thường xuyên xuống địa bàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời xử lý những phát sinh trong quá trình rà soát theo đúng thẩm quyền. Trong quá trình rà soát nếu có người khiếu nại, UBND xã phúc tra theo kiến nghị của người dân, công tác rà soát được chặt chẽ, Sở LĐ-TB&XH đã thành lập các đoàn kiểm tra yêu cầu các địa phương phải theo các bước và cách thức theo quy trình, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát ngay từ đầu. Trong thời gian các địa phương tiến hành rà soát, Sở cũng tăng cường cán bộ xuống các địa phương kiểm tra quy trình thực hiện có đảm bảo, nắm bắt ý kiến của người dân để không bỏ sót người nghèo và không để người không đúng đối tượng lợi dụng chính sách.
Những nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong công tác giảm nghèo đã thể hiện quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương ở tỉnh về nâng cao đời sống người dân, không để hộ nghèo bị bỏ lại phía sau.
Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn huy động, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích người nghèo khởi nghiệp, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề… để giảm nghèo bền vững, tiến tới mục tiêu chung “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”
Với quyết tâm giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống người dân, hộ nghèo năm sau giảm hơn năm trước, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, tăng nguồn lực đầu tư, cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho chương trình giảm nghèo, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Thời gian qua, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Giảm nghèo bền vững của tỉnh Đắk Lắk là hơn 855 tỷ đồng. Tỉnh đã đầu tư hơn 320 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.