THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:03

Đắk Lắk thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tỉnh ưu tiên các chính sách để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội; dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, giáo dục... Qua đó góp phần tạo việc làm, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng được tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Vườn cà phê trồng xen sầu riêng giúp người dân tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Vườn cà phê trồng xen sầu riêng giúp người dân tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Các địa phương đã chủ động bố trí nguồn lực để trợ giúp đột xuất cho các cá nhân, hộ gia đình thiếu đói, bị thiệt hại về người, nhà ở do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà cho hơn 290.000 cá nhân, hộ gia đình và tập thể với tổng kinh phí hơn 135 tỷ đồng, hỗ trợ gạo cứu đói cho 19.032 hộ với hơn 1.078 tấn gạo...

Đắk Lắk đặt mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 - 2%, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%, hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%. Để đạt được mục tiêu đề ra, Đắk Lắk đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chính sách giảm nghèo như tín dụng ưu đãi, khuyến nông, khuyến lâm và phát triển thủy sản, học nghề, y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý… Tỉnh tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện chính sách trợ giúp xã hội kịp thời, đảm bảo đúng quy định; thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng quy trình và yêu cầu (chính xác, dân chủ, công khai, công bằng và có sự tham gia của người dân), đảm bảo phản ánh đúng thực trạng, đối tượng. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát triển các hình thức trợ giúp dựa vào cộng đồng để tạo điều kiện, cơ hội cho các đối tượng yếu thế vượt qua hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập cộng đồng...

Để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây hàng hóa lâu năm như bơ, sầu riêng, tiêu, mít. Thực tế, qua các vườn cà phê trồng xen các loại cây hàng hóa lâu năm tại các nông hộ ở các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắk, Cư Kuin không những có tác dụng tăng thêm thu nhập từ 20 đến 50% so với trồng thuần cà phê, mà còn có tác dụng cải thiện điều kiện khí hậu trong vườn cây, nâng cao độ phì nhiêu của đất, hạn chế tình trạng xói mòn, rửa trôi, hàm lượng chất hữu cơ trong đất tăng thêm từ 24-26%.

Đối với diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém, ngoài việc thực hiện đúng theo quy trình tái canh của Bộ NN&PTNT ban hành, tỉnh Đắk Lắk còn chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp trồng ngay các loại cây đai rừng chính và đai rừng phụ, cây che bóng, cây trồng xen trong các vườn cà phê mới trồng tái canh. Còn đối với cà phê đã trồng tái canh thì trồng xen với mật độ từ 160-280 cây tiêu leo lên trụ sống hay 370 cây tiêu leo lên trụ chết hoặc trồng xen sầu riêng, bơ với mật độ 90 cây/ha...

K.VÂN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh