THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:09

Đắk Lắk: Sản xuất nông nghiệp theo mô hình bền vững

Sau hai tháng trồng, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật hiện đại, vườn cà chua đã sai trĩu quả khiến nhiều người “không nỡ rời mắt”Tháng 6/2017, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) đã triển khai thí điểm mô hình trồng rau an toàn với diện tích 1000 mét vuông mô hình trồng rau an toàn và các cây trồng khác mong muốn tạo ra sản phẩm rau sạch phục vụ cộng đồng. Tại nhà anh Lê Văn Nhân ở thôn 4, xã Ea Ral, bước đầu mô hình trồng chủ yếu cây cà chua ghép Đà Lạt. 

Anh Lê Văn Nhân bên vườn cà chua ghép trong nhà lưới.

Mô hình được thiết kế theo hệ thống nhà lưới cao 4m, phía trên có mái vòm lợp bằng màng ni lông để che nắng, tránh mưa; Anh Nhân - chủ vườn cho biết, kinh phí để xây dựng mô hình hết khoảng 300 triệu đồng, trong đó phòng nông nghiệp huyện hỗ trợ 28,5 triệu, số còn lại anh tự đầu tư thêm. Mô hình được bao bọc bởi lưới trắng để ngăn các loại côn trùng, sâu bọ tấn công vườn cây, sử dụng hệ thống tưới phun sương tự động vừa tiết kiệm nguồn nước, thời gian lao động, đặc biệt giúp giữ độ ẩm trong vườn luôn đồng đều ổn định, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Lần đầu áp dụng mô hình nhà lưới nên anh Nhân trồng một loại cà chua ghép xuất xứ từ Đà Lạt để thử nghiệm, đánh giá hiệu quả. Tất cả các công đoạn từ khâu làm đất, chọn giống đến chăm sóc cây anh đều làm rất bài bản, kỹ lưỡng với mục đích cuối cùng là tăng năng suất đến mức tối đa nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sau khi chọn được vùng đất tốt có địa hình cao ráo, dễ thoát nước, anh Nhân tiến hành xử lý đất bằng vôi, lân, vi sinh trộn đều và phơi không gần một tháng trước khi trồng. Với hạt giống, anh Nhân cẩn thận xử lý bằng hóa chất hoặc nhiệt để diệt nguồn sâu bệnh, sau đó mang đi ươm và chọn cây con khỏe mạnh để trồng.

Vườn cà chua ghép sai trĩu quả khiến nhiều người “mê mẩn"

Trong quá trình chăm sóc, anh tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật hiện đại, tính toán lượng nước, phân bón đúng liều lượng, bỏ đúng thời điểm… Nhờ vậy, 3.500 cây cà chua ghép của anh đạt tỉ lệ sống 100%. Cây sinh trưởng tốt, cho quả to đều, đẹp, khi chín có màu đỏ tươi, ít hạt nên được người tiêu dùng ưa thích. Sau 2 tháng xuống giống, vườn cà chua ghép đã cho thu hoạch gần 12 tấn quả, với giá thu mua hiện tại trên địa bàn huyện là 12.000 đồng/kg đã đem lại doanh thu khoảng 150 triệu đồng. Như vậy, với diện tích 1.000 m2  có thể trồng được từ 3-4 vụ /năm, cho thu khoảng 450-600 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu, năm đầu tiên làm mô hình trồng cà chua sẽ cho anh Nhân số lãi 150-200 triệu đồng.

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Ea H'leo bà Võ Thị Thanh Thế cho biết: Việc sản xuất rau, quả trong nhà lưới không phụ thuộc vào thời tiết nên có thể trồng nhiều vụ trong năm. Người trồng chủ động thời điểm xuống giống thích hợp mà không sợ nắng, mưa gây hại cây trồng. Hệ thống nhà lưới được đầu tư, gia công chắc chắn cùng với khâu chăm sóc đặc biệt tạo thành lớp màn chắn ngăn ngừa mọi sự xâm nhập của sâu bệnh hại, giảm được tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tạo ra sản phẩm rau, quả sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Hiệu quả bước đầu của mô hình trồng cà chua ghép trong nhà lưới đầu tiên của huyện được triển khai thí điểm tại nhà anh Lê Văn Nhân như “luồng gió mới” về sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Đây là mô hình lý tưởng cho người dân trong huyện tham quan, học hỏi, còn việc nhân rộng cần thêm thời gian do kinh phí đầu tư lớn, người trồng phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc thì mới triển khai thành công được.

Lê Nhuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh