CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:53

Đắk Lắk: 'Nông dân 4.0' tại ngày hội khởi nghiệp đầu tiên

Đắk Lắk: Nông dân 4.0 tại ngày hội khởi nghiệp đầu tiên  - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Trương Phú Định giới thiệu hàng hóa của nông dân huyện Ea Kar

Sau thời gian dài chuẩn bị, sáng 12/10/2019, Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2019 đã chính thức diễn ra theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh với nhiều hoạt động phong phú. Trong đó hấp dẫn nhất là diễn đàn "Khởi nghiệp Đắk Lắk - Hành trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và kết nối nguồn lực", nơi các startup được tiếp cận với các nhà "đầu tư thiên thần" để gọi vốn; Sau đó, là sự kiện ra mắt các "doanh nghiệp đỡ đầu ý tưởng", công bố dự án được đầu tư, tuyên dương cá nhân và tổ chức khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Đắk Lắk: Nông dân 4.0 tại ngày hội khởi nghiệp đầu tiên  - Ảnh 2.

Team rau thủy canh của chị Thái Thanh

Đắk Lắk: Nông dân 4.0 tại ngày hội khởi nghiệp đầu tiên  - Ảnh 3.

Mắc ca đóng hộp của HTX nông nghiệp Viet Farm

Điểm hẹn thu hút đông đảo người dân đến tham quan, giao lưu nhất là Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh, nơi có 76 gian hàng trưng bày, giới thiệu 230 sản phẩm khởi nghiệp của Đắk Lắk và một số tỉnh bạn như Quảng Nam, Huế, Lâm Đồng, Gia Lai.

Điều đặc biệt, là có khá nhiều nông dân, nhóm đại diện hợp tác xã đến từ nhiều huyện xã xa thành phố, trực tiếp đứng quầy để giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp với cách làm mới mẻ, văn minh từ cách đóng gói, làm bao bì, chào hàng và tặng quà khuyến mãi. Dù quà chỉ mộc mạc đơn sơ là quả cam, múi bưởi, ly nước thảo dược, rau quả sạch, mớ nấm tươi hay lọ tinh dầu nhỏ tự chưng cất, cũng đủ đem lại niềm vui cho cả người trao và người nhận.

Đắk Lắk: Nông dân 4.0 tại ngày hội khởi nghiệp đầu tiên  - Ảnh 4.

Hàng ngon sạch của Công ty Banme Green Farm

Đắk Lắk: Nông dân 4.0 tại ngày hội khởi nghiệp đầu tiên  - Ảnh 5.

Gian hàng Mai Đặng của nông dân huyện Ea H''leo

Ông Trương Phú Định (sinh năm 1975), Giám đốc hợp tác xã Thành Công giới thiệu các mặt hàng của hợp tác xã gồm những loại trái cây tươi sạch như cam, quýt, bưởi và nhiều loại tinh dầu được chưng cất từ chính các loại quả này với tinh dầu sả chanh. Với 19 thành viên chính thức, khoảng 60 thành viên liên kết, hợp tác xã Thành Công ra đời từ năm 2016, có vùng nguyên liệu rộng đến 1000 hecta ở xã Cư Ealang cách trung tâm huyện Ea Kar 20km. Dù học vấn "chưa tốt nghiệp tiểu học", "nông dân chính hiệu" Trương Phú Định vẫn tự tin xông xáo ra Hà Nội mời 1 nhà khoa học nổi tiếng, Chủ tịch một tập đoàn công nghệ về tận nơi hướng dẫn cho hợp tác xã biết cách chế biến và hoàn thiện quy trình sản xuất tinh dầu. Cho biết thu nhập của các xã viên 3 năm qua dao động từ 4-12 triệu/người/tháng, ông Định hy vọng với các mặt hàng vừa được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VIETGAP, sắp tới xã viên hợp tác xã Thành Công sẽ có thêm cơ hội làm giàu nhanh hơn.

Đắk Lắk: Nông dân 4.0 tại ngày hội khởi nghiệp đầu tiên  - Ảnh 6.

Gian hàng của nhóm khởi nghiệp Miss Ede

Đắk Lắk: Nông dân 4.0 tại ngày hội khởi nghiệp đầu tiên  - Ảnh 7.

Gian hàng của đội khởi nghiệp trường Đại học Tây Nguyên

Vợ chồng anh Lương Xuân Hưng (Sinh Năm 1973), chị Kiều Thị Định (Sinh Năm 1981) có quầy hàng "Trang trại Hưng Định" bày biện các sản phẩm sạch "nhà trồng được" gồm hồ tiêu, cà phê, bơ, sầu riêng, các loại rau củ quả. Anh cho biết về học vấn anh chưa tốt nghiệp cấp 3, vợ anh mới qua cấp 1. Trang trại rộng 7 ha ở xã Ea Tân huyện Krông Năng của vợ chồng anh chủ yếu trồng tiêu và cà phê, mỗi năm trung bình thu hoạch được mỗi loại trên dưới 10 tấn. Để thoát cảnh bị tư thương ép giá, vợ chồng anh đã cố gắng tự học cách xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường.

Đắk Lắk: Nông dân 4.0 tại ngày hội khởi nghiệp đầu tiên  - Ảnh 8.

Đôi vợ chồng Hưng-Định bán trái cây "nhà trồng được"

Đắk Lắk: Nông dân 4.0 tại ngày hội khởi nghiệp đầu tiên  - Ảnh 9.

Cà phê sạch của Kim Ly

Anh Hồ Văn Hoan-Chị Đặng Thị Mai là chủ quầy hàng Hội liên hiệp phụ nữ huyện Ea Hleo - Cơ sở chế biến sản phẩm sấy khô và tinh dầu Mai Đặng. Quầy trưng bày 15 mặt hàng gồm các loại trái cây, củ quả sấy, các loại trà, các loại tinh dầu. Chị Mai kể: Chị là kế toán Trung tâm chính trị huyện, thu nhập thua chồng là anh Hoan thuần túy nông dân với 3 ha rẫy trồng cây ăn trái. Thấy bán sản phẩm tươi giá thấp mà lại mau hỏng, anh chị đã tự học cách sấy rau củ quả chất lượng cao. Học trên mạng, trong sách, bạn bè và tham khảo ở các mô hình thành công ở các tỉnh khác. Sau thời gian tập sấy sản phẩm thu từ vườn nhà, anh chị đã thu mua nguyên liệu khối lượng ngày càng lớn, vì đã nắm được bí quyết sấy ngon được rất nhiều thứ nông lâm thổ sản, như bơ, măng, mãng cầu, thanh long, mít, chuối, rồi tiến lên sản xuất cả tinh dầu bơ, bưởi. Nhận được một phần hỗ trợ từ Hội Phụ nữ huyện, Mai Đặng nay đã sắm được 3 máy sấy, mỗi máy giá khoảng 70 triệu đồng. 

"Hàng Việt Nam thôi, nhưng mình mua từ Sài Gòn về độ chế lại, bỏ hết các khay bằng sắt, thay bằng khay Inox bảo đảm không độc hại. Hàng nay đã bán được khắp cả nước nên cứ ngày sản xuất, chiều đến là tập trung đóng gói, gửi gần 1 tạ hàng lên xe khách chở đi. Hàng ngon, sạch, rẻ, mỗi ngày trừ chi phí mình lãi khoảng 1,5 triệu đồng, trả lương cho 4-5 phụ nữ trong thôn mỗi người 200-250 nghìn đồng một công" - chị Mai chia sẻ

Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 459 hợp tác xã, 3 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 262 hợp tác xã nông nghiệp, 55 hợp tác xã công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Một số hợp tác xã không kịp chuẩn bị hàng hóa đến ra mắt trong Ngày hội khởi nghiệp đầu tiên này cũng cử người đến học hỏi cách làm của các đơn vị khác, để chuẩn bị lần sau tham gia.

Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh cho biết, dự kiến cuối năm nay Đắk Lắk sẽ ra mắt Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nguồn vốn xã hội hóa 100%, nhằm nâng đỡ các startup trẻ, do Hội doanh nhân trẻ điều hành, lãnh đạo tỉnh sẽ tạo điều kiện vận động, kết nối.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh