Đắk Lắk: Nơi ưu đãi nguồn vốn cho hộ nghèo - các đối tượng chính sách
- Dược liệu
- 18:20 - 19/01/2024
Qua hơn 20 hoạt động tín dụng chính sách xã hội Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk, đạt tổng dư nợ 496.535 triệu đồng với số khách hàng đang dư nợ là 12.013 hộ, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ năm 2023 là 19,38%, bình quân hàng năm tăng trưởng 10%.
Huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk có 17 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 2 thị trấn với 171 thôn, buôn, tổ dân phố. Năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-2019 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế người dân. Việc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách trong năm 2023 và hơn 20 năm qua đã góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội của huyện,, thiết thực chào mừng 40 năm ngày thành lập huyện Cư M’gar (23/01/1984 – 23/01/2024).
Trong năm 2023, Phòng giao Ngân hàng Chính sách xã hội huyện CưM'gar đã giải ngân cho hơn 3.200 lượt khách vay vốn với gần 150 tỉ đồng, doanh số cho vay cao nhất những năm gần đây. Kết quả này khẳng định sự nỗ lực của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Huyện Cư M’gar trong việc kịp thời đưa đồng vốn chính sách đến với người dân, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, hoàn trả vốn cho ngân hàng.
Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk đang cho vay ưu đãi 15 chương trình tín dụng, duy nhất chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non tư thục Ngân hàng chính sách xã hội trực tiếp cho vay, còn lại 14 chương trình cho vay theo phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Ở cấp cơ sở là các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trực thuộc các hội, đoàn thể. Ngoài sự sâu sát của cán bộ tín dụng thì việc sử dụng cầu nối là các tổ TK&VV giữ vai trò hết sức quan trọng trong công tác tín dụng chính sách.
Theo số liệu từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện CưM'gar: Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% thôn, buôn, tổ dân phố (171/171) tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, đảm bảo an sinhh xã hội.
Đặc biệt trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những giải pháp khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19 cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân thêm vốn tái đầu tư sản xuất, trong 2 năm 2022 và 2023, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M'gar đã giải ngân cho vay 5 chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 gồm: Cho vay 9 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; 05 học sinh, sinh viên mua thiết bị, dụng cụ học tập trực tuyến; 510 hộ để hỗ trợ tạo việc làm, 14 hộ với 14 căn nhà ở xã hội theo Nghi định số 100/2015/NĐ-CP; 122 hộ theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, đến nay đơn vị hoàn thành giải ngân số vốn theo kế hoạch tỉnh giao.
Tổng dư nợ cho vay theo Nghị quyết 11 là 47.026 triệu đồng. Cũng trong những tháng cuối năm 2023, Phòng giao dịch cũng đã giải ngân cho vay “Chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù” theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TT của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, là chính sách mang ý nghĩa, nhân văn, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, làm ăn chân chính và phát triển kinh tế gia đình sau biến cố của cuộc đời với số tiền giải ngân 800 triệu đồng/10 hộ.