Đắk Lắk: Khoảng hơn 6000m3 nước có bùn bẩn của nhà máy chế biến tinh bột sắn Ea Kar đã chảy ra sông
- Pháp luật
- 14:26 - 06/03/2019
Đoàn làm việc với nhà máy
Ông Phạm Bá Sỹ đại diện nhà máy tinh bột sắn Ea Kar báo cáo với đoàn kiểm tra về nguyên nhân xảy ra sự cố sự việc xảy ra. Sáng 1/3/2019, một số cán bộ công nhân nhà máy phát hiện sự việc. Ban đầu nước trên hồ chứa số 3 bị vỡ ở chỗ có gốc cây bị mối mọt dẫn đến nước làm bờ hồ số 3 bị vỡ tràn xuống hồ chứa số 5 (hồ này chứa nước, bùn và đã lâu rồi nhà máy không sử dụng) làm cho nước đầy và tràn qua bờ hồ. Lúc này, áp lực nước lớn nên bờ hồ chứa số 5 cũng bị vỡ làm tràn cả nước lẫn bùn xuống sông Krông Năng, từ ngoài Tết Nguyên đán đến nay nhà máy mới cho hoạt động được 7 ngày vì nguyên liệu rất ít và thiếu nên cứ làm được vài ngày lại nghỉ nên lượng nước thải không nhiều. "Nhận được tin báo tôi đã chỉ đạo anh em đắp lại chỗ vỡ của cả 2 hồ”, ông Phạm Bá Sỹ cho biết.
Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi nghe đại diện nhà máy trình bày, đã đi kiểm tra thực tế tại hiện trường. Tại khu vực bể chứa đoàn ghi nhận bể chứa số 3 bị vỡ bờ đập có chiều dài khoảng 2,5 mét, bể số 5 có chiều dài bị vỡ khoảng 3 mét, nước và bùn trong bể số 5 đã chảy hết ra sông. Ngay chỗ hồ số 5 bị vỡ đoàn đã lấy mẫu nước dưới sông, 1 điểm phía trên và 2 điểm phía dưới cách chỗ bể vỡ khoảng 1,5 km để về phân tích các chỉ số và nồng độ trong nước.
Sau khi đi thực tế, đoàn kết luận: Nguyên nhân là do sự cố vỡ đập, khoảng hơn 6000m3 nước có bùn bẩn đã chảy ra sông. Từ đây có thể đã dẫn đến tình trạng cá và một số sinh vật sống dưới vùng nước bị ảnh hưởng chết hoàng loạt. Nguyên nhân chính để xảy ra sự cố là nhà máy đưa vào hoạt động lại mà không kiểm tra các hồ, không kiểm tra các thiết bị kỹ thuật trong sản xuất nên xảy ra sự việc đáng tiếc. Sau khi sự cố xảy ra nhà máy đã đắp lại chỗ bị vỡ của hồ số 3 nhưng mới là tạm thời, nên đoàn đề nghị lấp hồ số 5 đã cũ và chuyển cửa xả sang chỗ khác và hệ thống mới.
Về việc khắc phục sự cố, ông Phạm Bá Sỹ có giải pháp là dùng máy bơm công suất lớn hút lại nước đã chảy ra sông ước lượng mỗi ngày hút lên bể chứa 5000 m3. Như vậy, 3 ngày hút nước bẩn lên và xả nước đã được xử lý xuống sông Krông Năng.
Cá chết được người dân vớt lên từ sông bị nhà máy xả thải
Sự việc xảy ra ngày 1/3/2019 dưới khu vực sông phía dưới Nhà máy chế biến tinh bột sắn Ea Kar huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, xuất hiện tình trạng cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước bất thường và mùi hôi thối, nguồn nước thì bị đen ngòm. Tình trạng này thường xuất hiện khi nhà máy sắn vào mùa, nguồn nước ở khu vực này lại ô nhiễm, mùi hôi bốc lên không thể nào chịu nổi, nhất là những ngày trời nắng. Nhiều lần người dân phản ánh vấn đề này với chính quyền địa phương nhưng chuyện này vẫn không thấy thay đổi mà ngày càng nghiêm trọng hơn.