THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:40

Đắk Lắk: Hiệu quả của các chính sách cho vay ưu đãi ở Ngân hàng CSXH huyện Cư Kuin

Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đầy đủ, kịp thời, công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể triển khai có hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm, từ đó tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Để góp phần giữ ổn định đời sống, phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, các cấp, ngành của huyện thực hiện nhiều biện pháp giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Một trong những biện pháp thiết thực đó là tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích người nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ triển khai gồm 5 chương trình: Nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chương trình cho vay Học sinh - sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; chương trình cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; chương trình cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030. Khi các chương trình này triển khai, nhiều đối tượng là người lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn, học sinh - sinh viên trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Kết quả thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk có tổng nguồn vốn được giao cho vay theo Nghị quyết 11 là 10.920 triệu đồng. Trong đó: Cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị hỗ trợ học trực tuyến 340 triệu đồng với 30 hộ vay. Cho vay Cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 160 triệu đồng với 2 cơ sở giáo dục mầm non vay.  Cho vay Nhà ở xã hội 700 đồng với 2 hộ được vay. Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 9.600 triệu đồng với 196 hộ vay.

Chị H’Non Ayũn bên những cây cà phê trĩu quả của mình

Chị H’Non Ayũn bên những cây cà phê trĩu quả của mình

Nghị quyết 11/NQ-CP đã giúp nhiều người lao động có nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, các trường học tư thục có nguồn vốn để khôi phục hoạt động phát triển kinh tế sau thời gian khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19; HSSV có hoàn cảnh khó khăn được trang bị thiết bị, máy móc để học trực tuyến.

Điển hình hộ chị H’Non Ayũn (thôn 5 xã Ea Bhok, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin cho gia đình chị vay 90 triệu đồng. Gia đình chị tập trung chăm bón 1ha cà phê xen canh cùng với cà phê là cây tiêu, cây câu và một số cây sầu riêng. Đến mùa thu hoạch năm nay, riêng cà phê là nguồn thu chính ướt thu được khoảng 5 tấn nhân cà phê (cho thu nhập 205 triệu đồng). Kinh tế gia đình chị được cải thiện và mong muốn được vay thêm vốn để đầu tư thêm.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin nỗ lực triển khai các giải pháp bảo đảm giải ngân nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh