THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 10:04

Đắk Lắk: Cuộc sống thay đổi, ấm no nhờ rừng trồng

Dưới tán keo xanh mát, ông Y Han Niê (trưởng buôn M'O, xã Ea Trang) chia sẻ, cuộc sống bây giờ tuy chưa giàu nhưng đỡ vất vả, túng thiếu hơn xưa. Trước đây, nguồn sống của gia đình ông và người dân trong buôn đều trông chờ vào cây lúa, cây ngô trên rẫy. Mỗi năm, người dân chỉ trồng một vụ nên cứ đến mùa "giáp hạt" là thiếu đói. Dân làng đã tìm đủ loại cây thay thế nhưng không cây nào trụ nổi vùng đất khô cằn, nắng gió khắc nghiệt như xứ Ea Trang. Nhưng đó là câu chuyện của ngày xưa, còn bây giờ gia đình, buôn làng ông đã ấm no nhờ rừng keo lai vươn cao xanh tốt.

Đắk Lắk: Cuộc sống thay đổi, ấm no nhờ rừng trồng - Ảnh 1.

Người dân trồng xen cây sắn vào diện tích keo lai còn nhỏ kiếm thêm thu nhập

Năm 2000, Ủy ban nhân dân xã Ea Trang phát động chủ trương trồng rừng, ông Y Han là một trong những hộ tiên phong tham gia. Được cấp hơn 4 ha đất, ông cùng vợ tay dao, tay cuốc lên đồi cải tạo đất trồng keo. Đây là khoảng thời gian khốn khó nhưng đáng nhớ nhất đối với ông Y Han. Ông kể: Đất được giao là những quả đồi cao vút, cách nhà cả 7 cây số. Đường đi vừa xa vừa khó lại chẳng có xe cộ, hai vợ chồng phải gùi từng cây keo giống lèo lên đồi tít đồi cao trồng. Mùa trồng cây rơi vào mùa mưa nên hành trình ươm "mầm xanh" càng gian nan, khó khăn hơn.

Keo trồng từ 5-6 năm là cho thu hoạch. Trung bình mỗi ha keo cho thu từ 130-150 tấn gỗ tươi, giá dao động 900.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tấn, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 80 triệu đồng/ha. "Thú thật ngày ấy cán bộ khuyên trồng, mình làm theo thôi chứ nghe thời gian thu hoạch tới tận vài năm là mông lung lắm. Rồi thời gian trôi nhanh, những cây keo bé nhỏ ngày nào đã vụt lớn phủ kín quả đồi. Lúc này, gia đình mình được hưởng thành quả sau thời gian dài trồng, chăm sóc và bảo vệ. Lần đầu cầm được số tiền lớn từ tiền bán gỗ keo, mình vui cái bụng lắm", ông Y Han bồi hồi nhớ lại. Nhận thấy lợi ích từ cây keo, ông Y Han hướng dẫn từng nhà, từng người trồng. Ban đầu còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, về sau người dân buôn M'O đã biết trồng, bón phân chăm sóc cây rừng, biết nhìn xa hơn những lợi ích tạm thời trước mắt.

Đắk Lắk: Cuộc sống thay đổi, ấm no nhờ rừng trồng - Ảnh 2.

Ông Y Han Niê dưới tán rừng keo xanh mát

Gần 20 năm gắn bó với cây keo lai, ông Y Wen Mlô (buôn M' Yui, xã Ea Trang) coi rừng như mối quan hệ ruột thịt. Dù nắng hay mưa, ông Y Wen cũng lên rừng keo thăm nom, chăm sóc. Ông cho hay, trồng keo lai cực nhất là giai đoạn đầu. Người trồng phải luôn túc trực trên đồi chăm dưỡng keo non và canh giữ trâu bò dẫm phá. Một công đôi việc, ông Y Wen trồng xen cây sắn, cây ngô vào phần đất trống vừa diệt cỏ dại vừa tìm thêm nguồn thu. Keo lớn, người trồng như ông mới nhàn tay hơn, chỉ việc rong cành, phát quang bụi rậm chờ ngày thu hoạch. Trước đây, trồng giống keo truyền thống phải 6 năm trở lên mới cho thu hoạch; giờ đã có giống mới rút ngắn thời gian thu xuống còn 4 năm mà năng suất, chất lượng gỗ không thay đổi. Với 6 ha đất, ông Y Wen chia trồng nhiều đợt. Cách làm này vừa giúp ông chủ động thời gian trồng, chăm sóc, giảm chi phí nhân công vừa xoay vòng thời gian thu hoạch. ng Y Wen tâm sự, hiệu quả cây keo tuy không cao nhưng có tính ổn định, phù hợp với điều kiện đất đai khí hậu của vùng. Đơn cử như năm nay, M'Đrắk hạn hán khốc liệt, thiêu rụi nhiều ha cây trồng như sắn, lúa, đậu, riêng cây keo vẫn bám trụ được. Rừng trồng không chỉ cho ông cuộc sống ấm no mà còn góp phần "hồi sinh" những cánh rừng "chết". Vậy nên dẫu có khó khăn vất vả, ông Y Wen cũng nguyện gắn chặt đời mình dưới tán rừng trồng.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Ea Trang, toàn xã hiện có 1.429,1 ha rừng trồng. Trong đó, có 243,6 ha rừng liên kết (liên kết theo dự án 661 của Chính phủ và liên kết với các lâm trường), còn lại là diện tích rừng trồng thuộc sở hữu của các hộ dân. Diện tích rừng phân bố ở cả 13 thôn, buôn của xã, tập trung nhiều nhất là buôn Thi, buôn M'Gơm, buôn M'Hap, buôn M'Yui, buôn M'O...


LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh