Đắk Lắk: Bùng phát bệnh tay chân miệng
- Y học 360
- 16:59 - 09/10/2020
Theo đó ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết vừa có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, hiện nay bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Số liệu báo cáo từ đầu năm 2020 đến nay toàn tỉnh có 733 trường hợp mắc bệnh. Trong đó, TP Buôn Ma Thuột có 193 trường hợp, huyện Cư M'gar 128 trường hợp và các huyện Buôn Đôn, Ea H'leo là các địa phương có số mắc cao.
Để chủ động kịp thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh ngay từ đầu năm học, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại nhà trẻ, trường mẫu giáo.
Tổ chức phổ biến các kỹ năng cho cô giáo, người chăm sóc trẻ về các biện pháp phòng chống dịch. Trang bị đầy đủ phương tiện vệ sinh cá nhân tại trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng. Tăng cường thực hiện các biện pháp vệ sinh lớp học, làm sạch đồ chơi hằng ngày. Giám sát tình hình sức khỏe học sinh tại trường học, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời. Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống, Ngành Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, ăn chín, uống chín, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Bệnh tay chân miệng (HFMD) là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Enterovirus gây ra (Enterovirus có nhiều dạng khác nhau như Coxsackievirus, Echovirus,…). Bệnh phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi nhưng vẫn có thể xuất hiện ở thanh thiếu niên và người lớn.
Tại Việt Nam, tay chân miệng xuất hiện quanh năm ở hầu hết các tỉnh thành. Trong đó 2 thời điểm bùng phát dịch được ghi nhận là từ tháng 3 – tháng 5 và từ tháng 9 – tháng 12. Theo thống kê từ WHO, hàng năm có khoảng 50 000 – 100 000 mắc bệnh tay chân miệng được ghi nhận ở nước ta. Đặc biệt, phía Nam là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất và chiếm hơn 60% các trường hợp trong cả nước.
Nguyên nhân gây bệnh và cơ chế lây lan: Bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus thuộc họ Enterovirus, nổi bật là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Thế nhưng nếu người bệnh do virus Coxsackievirus a16 có thể tự khỏi sau một thời gian nghỉ ngơi thì người mắc bệnh bởi virus Enterovirus 71 lại có nguy cơ tử vong rất cao. Về cơ chế lây lan, bệnh truyền từ người này sang người khác thông qua dịch tiết mũi họng (nước bọt, đờm hoặc chất nước mũi), chất lỏng từ mụn nước hoặc bong vảy và phân. Do đó, bạn rất dễ bị mắc bệnh nếu: Hít thở không khí sau khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Chạm vào người bệnh hoặc tiếp xúc gần gũi khác (hôn, ôm, hoặc chia sẻ cốc hoặc dụng cụ ăn uống). Chạm vào phân của người bệnh chẳng hạn như thay tã, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của bạn.
Chạm vào các vật và bề mặt có virus như tay nắm cửa hoặc đồ chơi, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của bạn. Đối với một số hoạt động giải trí công cộng, chẳng hạn như bơi, bạn có rất ít khả năng bị nhiễm bệnh. Mặc dù hiếm nhưng đây vẫn là yếu tố nguy cơ nếu nước trong hồ không được xử lý đúng cách bằng Clo và bị nhiễm phân từ một người mắc bệnh tay chân miệng.