THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:28

Đắk Lắk: An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo

Đối với các chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng yếu thế, trong năm 2020, Sở LĐ-TB&XH đã chú trọng triển khai kịp thời, đầy đủ. "Quy trình và công tác xác định đối tượng hưởng trợ cấp xã hội ngày càng hoàn thiện, minh bạch và có sự tham gia của các cấp chính quyền và người dân tại cơ sở" - Ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở cho biết.

Hiện nay, đối tượng hưởng trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gần 50.000 người, kinh phí chi trả gần 235 tỷ đồng trong năm 2020. Ngoài ra, trong năm, tỉnh đã tổ chức cứu đói cho 33.644 hộ, 118.223 khẩu, với 1.773,35 tấn gạo; hỗ trợ mai táng phí cho 34 hộ gia đình có người bị chết, 7 người bị thương nặng; 30 nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy, bị hỏng nặng, tổng kinh phí thực hiện hơn 17 tỷ đồng. Theo thống kê, có 98,6% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc.

Trong năm 2020, trước tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai kịp thời việc thực hiện hỗ trợ các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và các chính sách của địa phương. Kết quả đã phê duyệt để thực hiện hỗ trợ cho 434.546 người, số tiền hỗ trợ gần 367 tỷ đồng.

Không chỉ thực hiện các chính sách của Nhà nước về trợ giúp xã hội, tỉnh Đắk Lắk còn huy động nhiều nguồn lực xã hội từ các tổ chức, cá nhân làm từ thiện, hỗ trợ cho các đối tượng xã hội có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Đắk Lắk: An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Thanh Đông trao quà cho học sinh nghèo tại huyện Krông Ana.

Điển hình như anh Nguyễn Thanh Đông (ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) là Giám đốc Công ty Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ quốc tế Việt Pháp. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm anh Đông đều hỗ trợ 300 chiếc áo tiếp sức mùa thi (trị giá hơn 20 triệu đồng), trao 10 suất học bổng (1 triệu đồng/suất), quà khuyến học tại địa phương… Anh Đông còn thường xuyên tham gia, đóng góp một phần kinh phí cho các câu lạc bộ, đội, nhóm thiện nguyện trên địa bàn tỉnh để trao quà, giúp đỡ người dân vùng khó khăn. Riêng đầu năm 2020, anh Đông hỗ trợ các chương trình của Tỉnh Đoàn và một số câu lạc bộ thiện nguyện gần 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn hỗ trợ người dân khó khăn nơi mình sinh sống.

Ngoài tặng những phần quà cấp thiết, anh Đông luôn trăn trở phải trao cho người nghèo "cần câu" để giúp họ sớm có cuộc sống ổn định. Theo đó, anh đã tuyên truyền, phổ biến các chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động đến với người dân nhiều nơi trong tỉnh, nhất là lao động dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa. Năm 2016, trong một lần đi tình nguyện tại xã Yang Mao (huyện Krông Bông), anh Đông thấy một số hộ nghèo ở đây thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định, anh đã tư vấn, hướng dẫn xuất khẩu lao động. "Tôi đã tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ chi phí cho 10 phụ nữ đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê-út để làm giúp việc gia đình trong thời gian 2 năm. Hết thời hạn lao động về nước, trung bình mỗi chị tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng, có tiền xây dựng nhà cửa khang trang và dư được một khoản vốn liếng làm ăn", anh Đông chia sẻ.

Thấy xuất khẩu lao động là một kênh giải quyết việc làm hiệu quả, góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống cho một bộ phận người lao động, chủ yếu ở nông thôn và người nghèo, từ đó anh Đông tích cực thực hiện hoạt động hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí ban đầu như: khám sức khỏe, học ngoại ngữ, nghiệp vụ… cho người nghèo có thêm cơ hội đi ra nước ngoài làm việc. Kinh phí này được người lao động chuyển trả dần khi có đủ điều kiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh cũng còn một số mặt tồn tại, hạn chế. Hiện nay, hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chủ yếu là chăm sóc nội trú nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo dự báo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn tác động bất lợi trong ngắn hạn về nguy cơ mất việc làm, sinh kế của người dân, đặc biệt là lao động trình độ thấp, người nghèo và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác; tạo áp lực trong việc thực hiện các chính sách về tạo việc làm, đảm bảo thu nhập và bảo trợ xã hội tại địa phương. Vì vậy, để đảm bảo an sinh xã hội, phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từng bước cải thiện đời sống người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đến năm 2021 có 99% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, hỗ trợ dưới các hình thức. "Muốn vậy, phải đẩy mạnh cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn theo hướng chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp làm công tác xã hội"-Ông Phan Trọng Tùng-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết.

NGỌC MINH-NGUYỄN DUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh