CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:18

Đại tá Tư Phụng: Còn những đêm chưa yên

 

Giấc mơ chùm mây

Đại tá Huỳnh Minh Phụng (Tư Phụng), nguyên Cục phó Cục Công tác Chính trị (X15) trực thuộc Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân. Trong tổng số 670 cán bộ, chiến sĩ thuộc các tiểu ban an ninh Trung ương Cục hy sinh, đã có 391 hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm, quy tập đưa về an táng tại nghĩa trang. Trong số đó, có hơn một trăm người từng là đồng chí, đồng đội của Đại tá Tư Phụng, được ông tìm kiếm và đưa họ trở về.

Trong hành trình quy tập hài cốt đồng đội, có rất nhiều kỷ niệm khó quên và có cả những điều bí ẩn vẫn ám ảnh tâm khảm Đại tá Tư Phụng. Đó là chuyện về hai liệt sĩ Nguyễn Văn Cao và Lâm Văn Hồng hy sinh trong trận nã pháo năm 1968 - 1969. Năm 1973, Đại tá Tư Phụng cùng một vài người bạn đã quay lại thăm mộ. Trước khi tạm biệt, họ còn bắn bia vào gốc cây to cạnh mộ để đánh dấu. Trải qua 20 năm địa hình địa vật thay đổi quá nhiều. Trước đây rừng rậm, có nhiều cây to, nay chỉ còn rất ít. Đội tìm kiếm mất một tuần đào bới, quần nát khu vực mà năm xưa chính tay Đại tá Tư Phụng đã chôn cất hai đồng đội nhưng không tìm thấy gì. Ông sợ mình nhầm lẫn nên đã mời một số anh em tham gia trực tiếp việc chôn cất hai liệt sĩ này cùng nhau xác định vị trí. Họ dùng rựa vạc vào thân cây bắn bia năm xưa và nhặt được sáu viên đạn. Nhưng lật tung từng miếng đất, đào tới đào lui theo mấy ngày trời vẫn không thấy hài cốt đồng đội.

 

Đại tá Huỳnh Minh Phụng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo quy tập mộ liệt sĩ Bộ Công an tại lễ an táng hài cốt liệt sĩ năm 1999.

 

Đại tá Tư Phụng buồn rầu, nghĩ đã hết cách rồi, ông đứng giữa rừng nói: “Vì trách nhiệm và tình đồng đội mà đến đây tìm hai em, đưa hai em về nghĩa trang cho đỡ lạnh lẽo cô quạnh, để trọn tình vẹn nghĩa anh em mình. Nhưng mấy em không giúp đỡ các anh, tại sao không cho anh biết các em đang nằm chỗ nào? Có còn ở đây nữa không”? Hôm đó là chiều thứ 7, chủ nhật, đoàn nghỉ ngơi tại trụ sở công an huyện Tân Biên (Tây Ninh). Ăn cơm xong, Đại tá Tư Phụng căng võng dưới gốc xoài nghỉ trưa. Do mấy ngày trời đi rừng nên vừa ngả lưng là ông chìm ngay vào giấc ngủ sâu. Một giấc mơ kỳ lạ ập đến…Trong mơ, Đại tá Tư Phụng được sống lại những năm tháng hào hùng, oanh liệt trong đơn vị thông tin của mình, khuôn mặt từng người hiện lên gần gũi, thân thuộc như mới ngày hôm qua. Trong đó, Lâm Văn Hồng đưa cho ông một chùm mây đã chín. Ông vừa ăn vừa phun hột mây lên người đùa giỡn với anh em. Vừa đến đoạn đó thì ông tỉnh giấc, nghĩ đến giấc mơ đẹp mà kết thúc nhanh quá, ông tiếc mãi. Chợt  Đại tá Phụng sực nhớ ngay chỗ đoàn đi tìm hài cốt có một bụi mây to, trong lúc đào bới gai mây vướng vào nhiều người. Linh cảm trong đầu, ông giật mình nghĩ: “Quái lạ, đã lâu lắm rồi mình còn ký ức gì về việc ăn trái mây trong rừng nữa đâu, vậy mà hôm nay tự dưng… Hay là hai đứa báo mộng cho mình là đang nằm dưới gốc mây?”. Đại tá Tư Phụng ngay lập tức gọi anh em đến họp, nhưng do ngày nghỉ nên mọi người tản mạn hết, chỉ còn anh Năm Gấu, ông nói về giấc mơ của mình, Năm Gấu không tin nhưng vì thấy ông quả quyết quá nên anh Năm đi theo. Vậy là chỉ có hai người đi, trên đường ghé trạm biên phòng rủ thêm một số anh em mang theo rựa, cuốc, xẻng. Đến địa điểm thì trời đã nhập nhoạng tối, Đại tá Tư Phụng cho chặt ngay khóm mây rồi nhằm chính giữa mà đào. Chỉ mấy nhát cuốc đã thấy bọc ni lông lộ ra. Đại tá Tư Phụng nhẹ nhàng nâng bọc hài cốt lên, cẩn thận mở ra và òa khóc khi thấy những kỷ vật của Lâm Văn Hồng. Đối chiếu lại điểm bắn bia trên thân cây thì hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Cao nằm bên phải, cách 0,5m. Hài cốt của đồng đội được đưa lên, lau chùi cẩn thận, vị đại tá đã không kìm nổi nước mắt. Ông òa khóc vì sung sướng khi tìm được hài cốt đồng đội và khóc vì sự linh thiêng của hai hương hồn liệt sĩ.

 

Đại tá Tư Phụng kể chuyện đi tìm đồng đội.

 

Sang đất bạn đưa đồng đội về

Trong hành trình quy tập hài cốt liệt sĩ, việc tìm kiếm và đưa được tro cốt của liệt sĩ  Ngô Xuân Hòa từ  Campuchia về quê hương năm 1992 là một trong những kỷ niệm khó quên nhất đối với ông.

Liệt sĩ  Ngô Xuân Hòa sinh năm 1922 tại Hải Thành, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), tham gia cách mạng năm 1945, là công an Nam bộ, hoạt động ở chiến khu D. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm Phó trưởng Ty công an Bắc Thái, sau đó về công tác tại cơ quan Bộ Công an. Năm 1968 được điều đi công tác ở chiến trường C. Sau ngày miền Nam giải phóng, vợ con ông mỏi mắt chờ nhưng không thấy ông trở về, cũng không nghe tin tức gì. Năm 1975, bà Huỳnh Thị Thuận, vợ của ông Ngô Xuân Hòa đã lặn lội vào TP. Hồ Chí Minh tìm gặp những người thủ trưởng và bạn bè của chồng dò hỏi thông tin. Bà  gục ngã khi được những người bạn của chồng cho biết, ông đã mất tích trên đường từ Phnômpênh về Việt Nam năm 1970. Đau đớn và hoang mang cực độ khi người vợ không có thông tin gì nhiều hơn về chồng mình, không biết hy sinh trong hoàn cảnh nào, ở đâu. Bà Thuận lên Ty Công an Bắc Thái, đơn vị công tác cũ chỉ nhận được giấy báo tử với ngày tháng hy sinh và nơi hy sinh để trống. Nỗi đau quá lớn khiến bà Thuận lâm bệnh nặng, sau cơn bạo bệnh bà bị liệt. Nhưng bà không thể yên lòng khi chưa tìm được chồng hoặc chí ít một chút thông tin về ông. Khi lá thư của gia đình bà đến tay Đại tá Tư Phụng, ông đã quyết tâm bằng mọi giá tìm được đồng đội.

 

Tìm mộ liệt sĩ. Ảnh: ĐST

Sau nhiều cuộc gặp, sàng lọc mối quan hệ những năm chiến đấu của liệt sĩ Ngô Xuân Hòa, Đại tá Tư Phụng đã tìm ra manh mối khi gặp được một đồng chí đã nắm rõ diễn biến hoạt động cũng như sự hy sinh của liệt sĩ Hòa. Nhưng ông cũng phải mất 19 ngày đi xác minh và đã gặp được đồng đội, đồng bào Việt kiều, rồi nhờ biên phòng giúp đỡ móc nối để gặp trực tiếp những người dân Campuchia đã chôn cất liệt sĩ Ngô Xuân Hòa. Hành trình tìm kiếm đưa người con Việt Nam về quê hương lắm gian truân, vất vả, nhưng bù lại người dân Campuchia luôn dành tình cảm sâu nặng và sẵn sàng giúp đỡ đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ của Việt Nam. Đại tá Tư Phụng kể : “Việc xác minh chính xác cũng nhờ vào dân, bốc hài cốt anh Hòa lên cũng nhờ dân cả. Vào thời điểm khó khăn, ngặt nghèo, hài cốt anh Hòa được bà con gửi tạm vào chùa. Cuối cùng ta nhờ các sư sãi và bà con bên đó tổ chức hỏa thiêu hài cốt anh Năm Hòa, đó là cách tốt nhất để đưa anh sớm về với Tổ quốc”. Liệt sĩ Ngô Xuân Hòa cuối cùng đã được trở về đất mẹ trong niềm vỡ òa xúc động của người thân, gia đình và đồng đội. Như có một sức mạnh vô hình, bà Thuận đang trên giường bệnh bật dậy, tựa vào bàn thờ thắp hương cho chồng sau nhiều năm bị liệt, nằm một chỗ.

Với Đại tá Tư Phụng, mỗi chuyến đi, mỗi đồng đội được tìm về là trái tim ông như được sưởi ấm. Tuổi mỗi ngày một cao, ông không còn nhiều thời gian và nhiều sức lực để có thể đi được nhiều nữa. Vẫn còn những đồng đội chưa được tìm về với gia đình, tức sẽ còn những đêm ông chưa thể ngon giấc.

SONG HOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh