THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:28

Tết Độc lập ở Tây Nguyên

 

Rộn ràng mừng ngày lễ lớn

Cứ đến dịp Quốc khánh, hầu như buôn làng nào ở Tây Nguyên cũng rợp bóng cờ, rộn ràng náo nhiệt các tiết mục văn nghệ chào mừng. Điểm chung của con người Tây Nguyên là phóng khoáng và tình yêu nồng nàn với các Lễ Hội văn hóa, các ngày lễ. Chào đón Tết Độc Lập, mỗi gia đình ở vùng sâu Cư Pơng (huyện Krông Buk, Đắk Lắk) đều chuẩn bị một tiết mục văn hóa truyền thống, để trình diễn với buôn làng, như một sự ghi nhớ nguồn cội. Khách đến Cư Pơng đều có chung nhận xét, nếu trong kháng chiến, đây là vùng căn cứ cách mạng, thì giờ đây, vùng đất này tiêu biểu cho việc gìn giữ và phát huy lễ hội văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Các tiết mục mừng lễ gắn liền với những bếp lửa bập bùng và nhờ có lửa đã làm cho tiếng chiêng ngân xa hơn. Tiếng chiêng cất tiếng cũng như lòng người đã vui tươi và hào sảng. Nhiều thanh niên ở các buôn, làng đã quyết học cho được mười điệu chiêng quý để gìn giữ. Họ tự hào được sinh ra trên quê hương anh hùng và cùng nhau phát huy tinh thần đoàn kết, học hỏi và lao động để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng, làng Kon K'Tu thuộc xã Đăk Rơ Wa (TP.Kon Tum, Kon Tum) cũng rợp đỏ bóng cờ, mọi người say sưa biểu diễn các điệu múa chào mừng ngày Quốc khánh. Tất cả người dân trong làng cùng tập trung lại cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu cho bà con trong làng khỏe mạnh, dân làng đoàn kết, đùm bọc, thương yêu lẫn nhau.  Mừng cho đất nước thêm một mùa Độc Lập và mãi vững bền.

Già làng và những người uy tín trong làng cùng hợp âm những câu linh thiêng như: “Ơ Giàng, ơ thần núi, ơ thần nước về đây giúp chứng giám cái bụng của buôn làng. Buôn làng mong quê hương, đất nước mãi bình yên. Ơ dòng sông hãy chảy hiền hòa cho cuộc sống bình yên. Ơ Giàng hãy giúp dân thương yêu nhau...”. Các tiết mục cồng chiêng mừng ngày độc lập cất lên. Các chàng trai vận khố thổ cẩm, thân hình chắc nịch như ẩn chứa sức mạnh của thần núi, sự phóng khoáng của thần sông đan xen cùng 9 sơn nữ lúng liếng, yểu điệu trong những bộ váy thổ cẩm. Theo già làng A Xép, từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa của nhân loại, du khách quốc tế và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đến Kon K’Tu ngày càng nhiều. Nhân dân trong làng ai cũng có ý thức gìn giữ hơn.

Rộn ràng các tiết mục văn nghệ đón Tết Độc Lập ở Tây Nguyên.

Ở xã Bờ Y (huyện biên giới Ngọc Hồi, Kon Tum), nhiều người dân tộc Banar, Xê Đăng tâm sự, những lễ hội mừng ngày độc lập thế này đã kết nối các dân tộc lại với nhau. Sau đêm hội, tất cả cùng bàn những dự định, những kế hoạch và lập nên những bản hương ước trong cộng đồng dân tộc của mình, cùng thi đua làm giàu và giữ gìn bản sắc văn hóa. Với những suy nghĩ và việc làm trên, các nghệ nhân như ông A Vươn, ông A Vẻ,... kỳ vọng một ngày không xa tiếng cồng chiêng ở ngã ba Đông Dương sẽ vang vọng khắp năm châu.

Đoàn kết vươn lên

Không chỉ mừng vui, mặn nồng với các tiết mục văn hóa, âm nhạc truyền thống mà từ các ngày mừng lễ lại như thêm một lần người dân Tây Nguyên siết chặt tình đoàn kết, vươn lên xây dựng cuộc sống mới, ấm no hơn. Niềm vui của người Cư Pơng như nhân đôi vì đã áp dụng thành công các giống cây trồng theo kỹ thuật mới. Nhiều hộ dự định cải tạo hoặc xây mới căn nhà xập xệ, những căn nhà cũ được sơn lại. Hàng loạt băng rôn "Buôn văn hóa" được trang hoàng, thay mới.

Khách quốc tế cũng háo hức đến Tây Nguyên những ngày lễ.

Buôn Adrơng (xã Cư Pơng) có 127 hộ với 675 khẩu, chủ yếu sống bằng nghề trồng cà phê, điều và cao su nên kinh tế gia đình nào cũng khá giả. Vợ chồng anh Y Jing Ayun tự hào: "Căn nhà mình vừa mới xây hết hơn 730 triệu đồng cơ đấy. Chưa có năm nào không khí đón Tết Độc Lập lại nhộn nhịp, vui như năm nay. Khắp từ đầu buôn đến cuối buôn đều thi đua tăng gia sản xuất. Tiền kiếm được từ việc nâng cao sản xuất đấy". Bên cạnh các gia đình khá giả, chính quyền các cấp đã triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về xóa nhà tạm, giúp một số hộ nghèo biến ước mơ thành sự thật. Theo chân một cán bộ giảm nghèo, chúng tôi đến một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vừa được chính quyền, cộng đồng địa phương trợ giúp xây dựng nhà ở. Nhiều người đã không giấu nỗi xúc động khi được hỏi đến mái ấm mới, bởi ở đó chứa chan tình người. Ông Y Nhiên vừa gặp chúng tôi, liền bày tỏ: "Cả đời tôi cũng không dám mơ được sống ở ngôi nhà như thế này!".

Trở lại xã Bờ Y, gặp kỹ sư Nguyễn Văn Lịch, một trong những người có nhiều tâm huyết với vùng đất này. Nhìn những con đường nhựa thẳng tắp, những dãy nhà kiên cố nối tiếp nhau, ông nói: "Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi là cán bộ trẻ hừng hực khí thế muốn đến để đổi thay vùng đất này. Bao người ngăn cản, tôi vẫn quyết đi, trong đầu lúc nào cũng chỉ nung nấu một ý định, tất cả rồi sẽ khác, mà đầu tiên phải làm cuộc cách mạng tư duy. Ăn với dân buôn, ngủ với dân buôn, cầm tay dân buôn chỉ việc, chẳng mấy chốc hơn 2.000 hộ dân các dân tộc Banar, Xê Đăng, B’râu... vùng biên giới này đã biết làm lúa rẫy, biết trồng cây lương thực theo kỹ thuật, trẻ con biết học chữ".         

 

Nhiều buôn làng ở biên giới đã có trung tâm thương mại.

Thật xúc động khi từ buôn này nối sang buôn khác ở các xã ngã ba Đông Dương, ở những vị trí trang trọng trong nhà đều dán dòng chữ trích từ thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam. Đặc biệt đoạn trích: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”, được hầu hết người dân học thuộc. Nhiều già làng cho biết, đó cũng là cách đồng bào mình nhớ về quá khứ hào hùng, nhớ về lãnh tụ, nhớ về ngày độc lập để cùng vươn lên. Ở vùng biên giới này dù là dân tộc Banar hay Xê Đăng, B’râu... thì cũng tuyệt nhiên không ganh ghét, kỳ thị mà yêu thương nhau thật cái bụng lắm. Có thế mới nhanh đổi mới được.

HÀ ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh