THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:37

Đại học không phải là con đường duy nhất để thực hiện ước mơ

 

Giao lưu tại Tọa đàm với chủ đề: “Giáo dục nghề nghiệp: Con đường dẫn đến sự nghiệp mơ ước” 


Phát biểu tại tọa đàm, ông Craig Chittick - Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, Australia là quốc gia phát triển trên cơ sở những lao động có tay nghề cao và cũng mất nhiều năm để thay đổi được quan niệm nhận thức của các bậc phụ huynh về việc không phải đại học là con đường duy nhất để có việc làm tốt. “Khi lựa chọn học nghề, tôi tin rằng các bạn đang ghi nhận thực tế giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang cho chúng ta sự lựa chọn đa dạng về nghiệp nghiệp thông qua việc các kỹ năng nghề được nâng lên cũng như những kinh nghiệm thực tế có được” – ông Craig Chittick nói

Theo bà Joanna Wood, Tham tán Giáo dục và Khoa học (Đại sứ quán Australia), nhiều người vẫn mang tâm lý lo ngại về tiền lương và triển vọng nghề nghiệp của con em mình và cho rằng đại học là con đường duy nhất để có công việc ổn định và thành công. Theo khảo sát tại Australia, cứ 5 bậc phụ huynh thì có tới 4 người muốn con học đại học để sau này có thành công hơn, Việt Nam cũng đang trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, khảo sát của Tổ chức Kỹ năng nghề Australia cho thấy, mức lương khởi điểm của một học sinh học nghề là 56.000 đô la Australia/năm (khoảng 980 triệu đồng), trong khi đó, mức lương của sinh viên đại học khi ra trường chỉ là 54.000 đô la Australia/năm. Cũng theo bà Joanna, dân số Australia hiện có khoảng 24 triệu người, trong đó có 4,2 triệu người đang học nghề. Nhiều người chọn học nghề để có thu nhập ngay khi ra trường, sau đó khi có cơ hội sẽ tiếp tục học đại học và trình độ cao hơn.

Để minh chứng, ông Stephen Lunn, Chủ tịch Liên đoàn ẩm thực Australian cho biết: “Tôi bắt đầu học nghề từ năm 15 tuổi, khi được cô giáo chủ nhiệm nhận xét về năng khiếu nấu ăn và khuyên tôi nên theo nghề này. Tôi đã thử nghiệm học nghề 1 năm và gắn bó với nghề từ đó đến nay với nhiều thành công trong sự nghiệp. Tôi không thể tưởng tượng rằng công việc này sẽ đưa tôi đến khắp nơi trên thế giới và đạt tới đỉnh cao của nghề nghiệp”. “Giáo dục đào tạo nghề đã mang lại cho tôi sự tự do, tính linh hoạt và sự đa dạng để tạo ra một sự nghiệp thú vị và được đền đáp xứng đáng” – Stephen nhấn mạnh.

Chia sẻ về con đường dẫn đến thành công ngày hôm nay bắt đầu từ việc học nghề của mình, bà Thảo Nguyễn – Giám đốc KOTO cho rằng, con đường Giáo dục nghề nghiệp không đi theo một con đường truyền thống như việc học lên từng bậc, mà trong quá trình học nghề, ra trường các bạn đi làm và trong vòng vài năm lại quay lại học tiếp, trau dồi kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại của mình. Để theo đuổi con đường giáo dục nghề nghiệp bạn phải có niềm “đam mê”. Từ đam mê bạn sẽ có một nghề nghiệp ổn định, cơ hội để tạo ra giá trị đích thực cho xã hội cũng như của bản thân.

 

Các đại biểu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chụp ảnh chung tại Tọa đàm


Tọa đàm “Giáo dục nghề nghiệp – con đường dẫn đến sự nghiệp mơ ước” nằm trong chương trình hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam – Australia. Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Chương trình tọa đàm nhằm định hướng nghề nghiệp cho các học sinh, sinh viên khối trường giáo dục nghề nghiệp. Thông điệp của chương trình gửi tới bạn trẻ, nếu chúng ta đam mê, nỗ lực với một nghề và khi đã tinh thông với nghề, chúng ta sẽ được xã hội tôn vinh, thu nhập ổn định và có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho xã hội”.

Phát biểu tại buổi giao lưu, TS. Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, năm 2018 là năm có ý nghĩa đặc biệt của 2 nước Việt Nam và Australia. Là năm hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng là năm thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược. Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng phụ trách Giáo dục nghề nghiệp và Kỹ năng Australia Karen Andrews đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp với 4 lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó có việc thúc đẩy giao lưu, trao đổi sinh viên, giáo viên, nghiên cứu viên và các chương trình trao đổi khác giữa 2 nước. "Buổi giao lưu của chúng ta ngày hôm nay chính là hoạt động cụ thể để hiện thực hoá Bản ghi nhớ hợp tác trong Giáo dục nghề nghiệp đã được ký kết, đồng thời cũng là hoạt động để thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia chúng ta” – TS. Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

TS Trương Anh Dũng cũng mong rằng, chương trình giao lưu sẽ giúp các bạn sinh viên học hỏi được nhiều ở các bạn Australia về kỹ năng nghề. Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về GDNN để xã hội có nhận thức đúng và đầy đủ hơn về GDNN.


THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh