CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 08:55

Đại học chuẩn quốc gia: Xét sao cho đúng?

 

Từ ngày 9/11, Thông tư số 24 về quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, để đạt chuẩn quốc gia, các trường phải hoàn thành ít nhất 90% trong số 8 tiêu chuẩn đề ra.

 

Các cơ sở giáo dục sẽ được xếp thành 3 hạng từ cao xuống thấp (Ảnh minh họa).


Theo nhận định của đại diện nhiều trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, sự ra đời của thông tư này là tốt nhưng sẽ hay hơn nếu như trước khi ban hành, Bộ GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong dư luận về bộ tiêu chuẩn này.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự ra đời của thông tư này giúp các cơ sở giáo dục đào tạo có một văn bản mang tính pháp quy, để có những định hướng trong công tác đào tạo làm sao cho sản phẩm mình đào tạo ra đạt được các tiêu chuẩn, yêu cầu của các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động. Điều này rất quan trọng. Bộ tiêu chuẩn này đồng thời cũng tạo áp lực rất lớn để các trường tự soi xét lại mình xem thử mình đã đạt được mức độ nào, mình đang ở đâu”.

Trong số 8 tiêu chuẩn được đề ra ở thông tư lần này, tiêu chuẩn cuối cùng về sự hài lòng của sinh viên và người sử dụng lao động khiến các trường quan tâm nhiều nhất. Vì để đạt được tiêu chuẩn này, trường phải có 70% số sinh viên tốt nghiệp sau 1 năm có việc làm phù hợp với chuyên môn. 80% sinh viên năm cuối hài lòng với chất lượng đào tạo của trường và 80% cựu sinh viên tốt nghiệp 3 năm gần nhất hài lòng với tính thực tiễn của chương trình đào tạo.

Đồng thời, 70% số người sử dụng lao động phải cảm thấy hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp trong 3 năm gần nhất. Không ít trường cho rằng, để đánh giá được các tiêu chí này cần có những yêu cầu cụ thể, chính xác và công tác kiểm định phải thực hiện thật nghiêm túc để đảm bảo tính công bằng.

Ủng hộ sự ra đời của thông tư, theo Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Bàng, điều các trường cần nhất bây giờ là thời gian để thích nghi với bộ tiêu chuẩn mới. Khi đã lên kế hoạch đăng ký xét chuẩn, các trường cần chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy cũng như nâng cấp chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu. Vì nếu không đạt được 2 tiêu chuẩn cơ bản này, rất khó để hoàn thành các tiêu chuẩn còn lại.

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung nói: “Tôi mong rằng bộ tiêu chí này được kiểm định một cách chắc chắn, trung thực bởi những cơ sở kiểm định độc lập nhằm đảm bảo tính nghiêm túc đối với các vấn đề được nêu ra. Khi đó, xã hội và các em sinh viên nhìn nhận, đánh giá từng trường theo đúng chuẩn mực mà Bộ GD&ĐT quy định. Hiện nay, các trường cũng đang thực hiện những tiêu chí theo như tiêu chuẩn trong thông tư. Nhưng theo tôi, để tập hợp được các tiêu chí để trở thành một trường đại học đạt chuẩn quốc gia thì cần có thêm thời gian chứ ngay bây giờ thì khó có trường nào làm được”.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc có một bộ tiêu chuẩn giúp các trường tự đối sánh các điều kiện của mình là điều hay. Tuy nhiên, cần suy nghĩ sâu xa hơn là quá trình triển khai đánh giá tiêu chuẩn đó có thực sự khả thi, nó có tác động tốt đến các trường hay không và quan trọng là mối liên hệ giữa chuẩn mới đưa ra với những chuẩn hiện hành như thế nào như chuẩn kiểm định, chuẩn mở ngành, mở trường...

Khi đã đưa ra chuẩn, Bộ nên xét xem cơ sở khoa học của chuẩn đó trong từng bối cảnh cụ thể. Sẽ không hợp lý nếu đưa ra một chuẩn duy nhất cho tất cả các ngành, các trường hay các vùng trong một quốc gia.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, việc ban hành thông tư là chuyện bắt đầu. Vấn đề tiếp theo là thống nhất trong toàn ngành để triển khai cụ thể. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực của các trường, các ngành.

“Làm thế nào thống nhất trong toàn ngành để triển khai thông tư một cách phù hợp nhất theo lộ trình cụ thể nhất và làm thế nào để tránh các tác động tiêu cực như bệnh thành tích. Có khả năng một số trường sẽ dùng cách này hay cách khác để đạt được giấy chứng nhận đạt chuẩn. Nhưng sau đó, tác động thật của nó là như thế nào? Còn một điều nữa cần lưu ý là liệu cái chuẩn mà chúng ta đặt ra có phù hợp cho tất cả các trường, tất cả các ngành hay không. Trong trường hợp nhiều trường không đạt chuẩn, chúng ta giải quyết như thế nào?” – ông Nguyễn Quốc Chính nói.

Cả nước hiện có khoảng 400 trường đại học, cao đẳng. Điều mà nhiều người làm công tác giáo dục thắc mắc là với số lượng lớn như vậy, đến khi nào Bộ GD&ĐT mới đánh giá hết tất cả các trường trong khi việc kiểm định chất lượng vẫn còn “quá tải”? 

Điều thứ hai khiến không ít cơ sở giáo dục đại học trăn trở là chuẩn quốc gia sẽ tác động như thế nào đến chất lượng thực tế của trường?.

Theo Mỹ Dung / vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh