Đại biểu Quốc hội: Qua chất vấn, mỗi Tư lệnh ngành có tâm huyết, dấu ấn riêng
- Tây Y
- 21:44 - 08/11/2020
Mở đầu tuần làm việc thứ 2 theo hình thức tập trung (bắt đầu từ ngày mai 9 - 13/11), Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là phiên cuối cùng về hoạt động chất vấn của Quốc hội khóa XIV nhằm đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Dịp để nhìn lại lời hứa của các trưởng ngành
Bên hành lang Quốc hội, nhận xét về phiên chất vấn ngày đầu tiên 6/11 vừa qua, nhiều đại biểu đánh giá: Các bộ trưởng, trường ngành đã đề cập những tồn tại, hạn chế và thẳng thắn nhận trách nhiệm, làm rõ nhiều nội dung cử tri quan tâm.
Đặc biệt, cả câu hỏi và câu trả lời đã đi thẳng vào vấn đề, không còn lan man như những kỳ họp trước. Và đây cũng là dịp nhìn lại lời hứa của các trưởng ngành.
Chia sẻ, đại biểu Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đoàn Long An) đánh giá, phạm vi chất vấn tại kỳ họp này rất rộng, các đại biểu Quốc hội đã chọn những vấn đề đang được dư luận, cử tri quan tâm để chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ.
"Về cơ bản, các câu hỏi chất vấn của các đại biểu là dễ hiểu, ngắn gọn và đi vào trọng tâm. Nội dung câu hỏi chất vấn thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đối với cử tri, đất nước", ông Liên đánh giá.
Phần trả lời chất vấn của các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành theo đại biểu Hoàng Văn Liên, nhìn chung là ngắn gọn, trả lời thẳng vào vấn đề, không vòng vo, né tránh.
"Mỗi Bộ trưởng, trưởng ngành có phong thái và dấu ấn riêng. Nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời rất thuyết phục", vị đại biểu bày tỏ sự hài lòng.
Qua trả lời chất vấn, thấy được tâm huyết của Bộ trưởng
Đánh giá cụ thể, vị đại biểu đoàn Long An cho rằng, qua trả lời của mình, đại biểu thấy được tâm huyết của Bộ trưởng Lao động - TB&XH Đào Ngọc Dung trong các giải pháp về giải quyết chế độ, chính sách cho người có công; cũng như quan tâm, trả lời thấu đáo đến việc tiếp tục điều chỉnh tiền lương cho người nghỉ hưu trước năm 1993, tạo việc làm mới cho người lao động.
Đồng tình, đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, qua chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã bày tỏ tâm tư và quan điểm về lộ trình tăng lương cho người về hưu trước năm 1993.
Vì họ cống hiến lớn nhưng quá thiệt thòi vì lương hưu thấp do lịch sử để lại, "trong đó có nhiều người trước đó đã tham gia kháng chiến, hiện nay họ đều đã cao tuổi…", đại biểu Mai Sỹ Diến nhấn mạnh.
Các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn. Các đại biểu Quốc hội đánh giá, mỗi Bộ trưởng, trưởng ngành có phong thái và dấu ấn riêng, trả lời rất thuyết phục
Hay Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng được đại biểu đánh giá cao. "Tôi thấy Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ nhưng trả lời hay, làm rõ được vấn đề, giúp cho đại biểu nhìn nhận xung quanh những ý kiến mà đại biểu quan tâm", đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) đơn cử.
"Tôi cũng ghi nhận nhiều Bộ trưởng thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước cử tri cả nước. Qua quá trình chất vấn, tôi tin sẽ có sự chuyển biến trong hành động của các Bộ trưởng trước nhân dân" - đại biểu Hiền nói.
Cho rằng, các Bộ trưởng đã trả lời thẳng vào nội dung trọng tâm mà đại biểu và cử tri quan tâm, đại biểu Lê Quang Huy (đoàn Nghệ An) hài lòng: "Các Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời nhiều vấn đề được cử tri quan tâm, cách trả lời thấu đáo, làm rõ được kết quả cũng như hạn chế, thể hiện trách nhiệm. Ví dụ cử tri quan tâm thời gian gần đây mưa gió bão, thủy điện, lao động việc làm... các Bộ trưởng đều trả lời rõ cho cử tri và Quốc hội."
Theo các đại biểu, qua trả lời chất vấn ngày đầu tiên, các thành viên Chính phủ rất cầu thị, trách nhiệm, đi thẳng vào câu hỏi của đại biểu thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình. Điều này chứng tỏ các Bộ trưởng, Trưởng ngành nắm rất chắc các vấn đề của Bộ, ngành và đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện; không còn ý tứ “để Bộ trưởng sau giải quyết vấn đề của nhiệm kỳ này”, đại biểu Hoàng Phương Liên nhìn nhận.
Đây là điều được nhiều Đại biểu Quốc hội đánh giá cao, cử tri đồng tình, ủng hộ.
"Tôi cũng đánh giá cao sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội đã tạo điều kiện cho bên chất vấn và trả lời chất vấn đề có thể truy đến cùng tất cả những vấn đề đặt ra, có như vậy mới có thể thỏa mãn được yêu cầu của cử tri cũng như công tác giám sát của Quốc hội", đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) nói.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục diễn ra ngày 9/11 và buổi sáng 10/11. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Với đặc điểm là kỳ chất vấn năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ không chọn một số vị Bộ trưởng, trưởng ngành để chất vấn trực tiếp như các kỳ họp khác mà đại biểu Quốc hội chất vấn vấn đề thuộc lĩnh vực nào thì các vị phụ trách chính lĩnh vực đó trả lời, và tất nhiên các vị có liên quan cũng sẽ sẵn sàng "chia lửa".
Thời gian dành cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội là từ 9h đến 11h15 (giải lao từ 9h30 - 9h50) sáng thứ ba (ngày 10/11).