THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:28

Dồn nguồn lực cho ứng phó thiên tai, giúp dân ổn định cuộc sống, đại biểu Quốc hội “chúng tôi ủng hộ”

Ngày 5/11 vừa qua, Thủ tướng  đã ký Nghị quyết kỳ họp tháng 10 nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người bị sập nhà hoàn toàn do bão lũ. "So với Nghị định 136 thì có thể nói từ nay trở đi mức hỗ trợ nâng lên gấp đôi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tại phiên chất vấn.

Dồn nguồn lực cho ứng phó thiên tai, giúp dân ổn định cuộc sống, đại biểu Quốc hội “chúng tôi ủng hộ” - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6/11

Lồng ghép "phòng ngừa thiên tai" vào chiến lược nhiệm kỳ tới

Khép lại tuần đầu đợt 2 Quốc hội họp tập trung (từ mùng 2- 6/11 vừa qua), ngay từ đầu tuần, trong các buổi: thảo luận tổ, thảo luận hội trường về Kinh tế - Xã hội, và trong phiên chất vấn, tình hình bão lũ miền Trung gây thiệt hại nặng nề và các các biện pháp khắc phục, hỗ trợ là vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Tại tổ, bàn các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai ở các tỉnh miền Trung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề, cần phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới.

"Tôi đề nghị Quốc hội phải bàn về việc này để chúng ta thông qua Nghị quyết để Chính phủ chủ động ngay trong năm 2021 di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai và hàng năm ngân sách Trung ương, địa phương phải chú ý vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng tại phiên họp tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, chưa bao giờ thiên tai dồn dập như thế vào Việt Nam hay còn gọi là "thiên tai lịch sử", gây thiệt lại rất lớn về người và của, làm giảm GDP ….

Thủ tướng cho biết Chính phủ đang có chương trình khắc phục quyết liệt và sẽ có chính sách mạnh tay hơn như hỗ trợ nhà ở, nhà sập...

Dồn nguồn lực cho ứng phó thiên tai, giúp dân ổn định cuộc sống, đại biểu Quốc hội “chúng tôi ủng hộ” - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi cùng Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển; Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (thứ 2 từ phải sáng); Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bên hành lang Quốc hội

Có thể giảm phụ cấp các ngành, dành ngân sách cho dân vùng lũ

Sau khi thảo luận tổ, bước sang phiên thảo luận tại hội trường về Kinh tế - Xã hội, ngân sách (diễn ra từ 3-5/11) trước tình cảnh bão chồng bão, lũ chồng lũ tại miền Trung gần đây, vấn đề này tiếp tục đặt lên bàn nghị sự, được nhiều đại biểu quan tâm đưa ra các kiến nghị về giải pháp giảm thiểu thiệt hại thiên tai.

Đề nghị chung của nhiều ý kiến, từ nhiều vùng miền của cả nước là cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, dồn nguồn lực cho hoạt động cứu trợ và tái thiết sau thiên tai.

Bày tỏ đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp các ngành kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống.

Ông Đồng nhấn mạnh, để ổn định cuộc sống lâu dài cho dân thì không chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương, vì vậy, ông khi xem xét dự toán năm 2021 cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai; nghiên cứu địa hình địa chất, xác định vùng nguy hiểm, nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư để di dời dân kịp thời.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng cần ưu tiên cho mua sắm trang thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn và xây dựng hạ tầng các huyện, xã vùng sâu đồng vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

"Dự thảo nghị quyết về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 có nêu rõ yêu cầu Chính phủ chủ động bố trí nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người dân bị ảnh hưởng bởi đợt bão lũ lịch sử vừa qua, bởi mức độ khó khăn của họ nặng nề hơn cả những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19", ông Đồng phát biểu.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường về KT-XH; và chất vấn các thành viên Chính phủ 

Bước vào phiên chất vấn, ngay trong ngày đầu tiên (6/11), chung mối quan tâm với nhiều đại biểu đã nêu trước đó, đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) nêu câu hỏi với Bộ trưởng Lao động TB&XH Đào Ngọc Dung, trong đại dịch Covid-19, Bộ đã tham mưu kịp thời cho Chính phủ có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, và người lao động. "Vậy trong đợt lũ lụt vừa qua, Bộ đã tham mưu với Chính phủ những chính sách như thế nào để hỗ trợ cho người dân vùng lũ?", đại biểu chất vấn.

Trả lời đại biểu, lời đầu tiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ: "Trước hết, với trách nhiệm là những người phục vụ nhân dân trong lĩnh vực này, cho phép tôi xin gửi lời chia sẻ những khó khăn, mất mát với đồng bào miền Trung", và ông chia sẻ thêm: "Những ngày vừa qua, Quốc hội đã dành phút mặc niệm, chia sẻ với đồng bào miền Trung…"

Mức hỗ trợ nâng lên gấp đôi

Đi vào vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng cho biết, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và chỉ đạo của Thường vụ Quốc hội cũng như của Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua ngành LĐ-TB&XH cùng với các ngành "đã tập trung tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ góp phần tháo gỡ những khó khăn cho miền Trung".

Cụ thể, người đứng đầu ngành Lao động –TB&XH cho biết, Thủ tướng đã giao cho Bộ chủ trì phối hợp Bộ Tài chính để sửa đổi Nghị định 136 hỗ trợ người khó khăn, vùng khó khăn cũng như các đối tượng bảo trợ xã hội.

"Ngày 5/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết kỳ họp tháng 10 nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người bị sập nhà hoàn toàn do bão lũ từ 20 triệu lên 40 triệu và hỗ trợ những gia đình có nhà hư hỏng nặng là 10 triệu để khắc phục khó khăn", ông nói.

Như vậy, "so với Nghị định 136 thì có thể nói từ nay trở đi mức hỗ trợ nâng lên gấp đôi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cùng với đó, ông Dung cũng thông tin, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính để trình với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cấp 6.500 tấn gạo cho đồng bào, đảm bảo cho mỗi người ở vùng lũ này, những người khó khăn vì ảnh hưởng là 15kg gạo trong 1 tháng và trong thời gian 3 tháng.

Ngoài ra, Bộ Lao động - TB&XH cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn các địa phương hỗ trợ vật nuôi, cây trồng trên cơ sở lấy vào dự phòng của các địa phương. Sau đó quyết toán với Bộ Tài chính. Những vật nuôi, cây trồng cụ thể thì trao đổi với Bộ Nông nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đặc biệt, "đối với các cháu mà bố mẹ bị mất do bão lũ, không còn nơi nương tựa, trừ những cháu bộ đội, công an đã nhận đỡ đầu, còn lại tất cả các cháu thì đảm bảo được vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội do Nhà nước đảm nhận", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, Chính phủ trong khắc phục hậu quả thiên tai.

Nhấn mạnh ngoài sự hỗ trợ cần thiết để người dân vùng lũ giải quyết lương thực trước mắt, theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cần phải tính đến việc bổ sung ngân sách cho các tỉnh bị thiệt hại nặng nề.

"Về lâu dài, phải có chính sách để hỗ trợ, để có nguồn lực khôi phục sản xuất. Ít nhất phải trợ cấp cho những người khó khăn, hoặc là hỗ trợ để vay vốn. Trong những trường hợp như vậy nếu trình Quốc hội, chúng tôi ủng hộ, sẽ sẵn sàng có ý kiến biểu quyết để bổ sung ngân sách cho các tỉnh này", ông Sinh cho biết.


Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh