CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:17

Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng đầu tư để Tây Nguyên giảm nghèo

Đại biểu Ksor H’bơ Khăp (Gia Lai)

 

"Nói đến Tây Nguyên chúng ta nghĩ tới một đại ngàn, thảo nguyên mênh mông, sương mù huyền ảo giàu tài nguyên khoáng sản, một nền văn hóa các dân tộc phong phú và đa dạng. Nhưng thưa Quốc hội, tôi đau lòng khi đứng đây khi bản thân mình phải phân vân: Tây Nguyên còn lại những gì?", ĐB Ksor tâm tư.

Theo bà Ksor, Tây Nguyên hiện nay về cơ cấu dân tộc có thể xem là Việt Nam thu nhỏ, vì tập trung 51 dân tộc sinh sống. Điều này cho thấy tình trạng di cư ở Tây Nguyên chưa được kìm chế, kiểm soát có hiệu quả, sự chênh lệch giữa các dân tộc khác đến sinh sống với dân tộc bản địa ngày càng tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, dân trí còn thấp, đời sống văn hóa ngày càng mai một, trầm lắng trái ngược với sắc màu rực rỡ của văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

"Chỉ đạo của Đảng và Nhà nước rất quyết liệt trong việc nâng cao đời sống đồng bào thiểu số, nhưng tất cả chỉ mới giải quyết được phần ngọn mà gốc thì sắp mòn mục, nhiều năm qua chúng ta vẫn loay hoay chuyện “cho cần câu cá” hay “cho cá”. Vì vậy, cơ chế chính sách mới phải có sự ràng buộc những điều kiện làm sao phát huy được nội lực địa bàn hưởng thụ", bà Ksor kiến nghị.

ĐB Ksor cho rằng: "Trong gần một thập kỷ qua, Tây Nguyên chưa thể tự chuyển mình phát triển mạnh, không phải vì ta thiếu cơ chế chính sách mà vì tư duy của ta khi kêu gọi đầu tư vào vùng Tây Nguyên cứ khoác lên cho nó “cái áo” an ninh chính trị phức tạp, khiến một phần Tây Nguyên bị kìm hãm, không bứt lên được".

Từ phân tích trên, ĐB Ksor đề nghị trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 cần có sự quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai chính sách giảm nghèo mà ngân sách phải đi đầu, vì có thực mới vực được đạo.

"Đặc biệt đối với vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, ngân sách xin đừng bỏ quên họ", bà Ksor nhấn mạnh.

 

Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội đầu kỳ họp cho biết, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 vượt. Tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến là 6,7%, vừa khớp chỉ tiêu Quốc hội giao; tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Trong đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc trên phạm vi cả nước nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. 

Tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm; trong 9 tháng tạo việc làm cho 1,24 triệu người, tăng 3,48%, trong đó đưa gần 93 nghìn người đi lao động ở nước ngoài. 

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý, đến nay còn 2,21%. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%, còn khoảng 6,7 - 7,2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Xuất cấp gần 71 nghìn tấn gạo cứu trợ đột xuất và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu.

 

 

P.THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh