CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:21

Đại biểu đề nghị xử lý nhanh 12 dự án kém hiệu quả

Lo ngại sẽ hình thành nhiều Vũ "Nhôm" trong cổ phần hoá

Phát biểu thảo luận về tình hình hình tế- xã hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng bức tranh kinh tế đẹp nhưng vẫn còn vết nhám cần giải quyết, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu công bằng, còn nhiều thủ tục, rào cản với doanh nghiệp. Tiến trình cổ phần hóa còn chậm. Đại biểu cũng chia sẻ những lo lắng về phương thức giải quyết, xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương. "Với số dự án thua lỗ lớn như vậy, không thực hiện được thì nên cho phá sản. Còn dự án nào bán được, cho thuê được thì đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh thất thoát vốn Nhà nước", ông Nhưỡng đặt vấn đề. 

Đại biểu tỉnh Bến Tre cũng phản ánh, có hiện tượng cài cắm trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp. Ông lo ngại, điều này có khả năng tạo ra một số Vũ "Nhôm" khác, và đề nghị các cơ quan vào cuộc, bịt các “lỗ hổng” trong cổ phần hóa; tăng cường kiểm toán, thanh tra; coi trọng cải cách tư pháp.

 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần bịt "lỗ hổng" trong tiến trình cổ phần hóa


Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình cho rằng, Chính phủ đã xây dựng và triển khai rất kiên định các chương trình phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và đây là lần đầu tiên Chính phủ có Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã ghi dấu ấn mới về các hiệp định thương mại tự do. Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần một thập kỷ qua và trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đó là một kỳ tích.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% giai đoạn 2016-2020 vẫn là thách thức rất lớn. Phân tích các diễn biến tình hình thế giới có khả năng tác động tới xuất khẩu của Việt Nam, thu hút FDI, ông Lộc đặt câu hỏi: "Nền kinh tế của Việt Nam hiện có độ mở cao và rất nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ tiếp tục leo thang, thì liệu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%/năm cho 2 năm tới? Và liệu các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam? Trong khi cả xuất khẩu và đầu tư FDI đang là các động lực chính của tăng trưởng", ông Lộc nói.

Về kiềm chế lạm phát, trong 3 năm qua luôn giữ được dưới 4%, đó là kết quả rất quan trọng, thể hiện bản lĩnh của Chính phủ. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc mục tiêu lạm phát khoảng 4% trong năm 2019.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng nêu ra một số vướng mắc trong phát triển doanh nghiệp như chế độ kế toán, chính sách thuế... cần sửa đổi để dễ áp dụng và thuận lợi cho đội ngũ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ như nhiều nước đã làm. 

Mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả

Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, về tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ đã triển khai quyết liệt từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Công Thương có đề án với 9 nhiệm vụ lớn. Trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến - chế tạo là động lực tăng trưởng của nhiều năm nay, năm 2017 tăng trưởng hơn 14%, 9 tháng đầu năm 2018 là 13%.

“Nhiều lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ổn định chứ không phụ thuộc vào một số ngành. Đã hình thành một số tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, mặc dù khu vực FDI vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng trong năm 2017, 2018, khu vực có vốn đầu tư trong nước đã có bước phát triển nhanh, sự cách biệt giữa hai khu vực trong nước và nước ngoài đã có chuyển dịch tích cực. Chúng ta cũng đã quy hoạch lại không gian lãnh thổ công nghiệp, hình thành một số trung tâm công nghiệp theo các ngành; thực hiện tốt chủ trương đa phương, đa dạng hóa các thị trường thương mại, xuất khẩu tới gần 200 quốc gia, riêng nông sản tới 180 quốc gia, 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD… Chất lượng hàng hóa ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc xử lý 12 dự án yếu kém sẽ hoàn thành vào năm 2020

 

Về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ rất quan tâm, các bộ ngành nghiên cứu, phối hợp thường xuyên và báo cáo Chính phủ, từ đó khai thác tốt cơ hội và hạn chế các nguy cơ.
Về 12 dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng khẳng định đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể, mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý. Các dự án này cần được xử lý trong khung khổ luật pháp, theo đúng nguyên tắc thị trường, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phù hợp với các cam kết quốc tế. 
“Các Bộ ngành đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc này, đến nay, tiến độ đến nay cơ bản đạt một số kết quả tích cực. Sáu dự án dừng kinh doanh thì đã có hai dự án, nhà máy bước đầu hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa, sẽ sớm đưa ra khỏi danh sách. Bốn dự án còn lại cũng đã từng bước khôi phục hoạt động, giảm lỗ. Hai  dự án liên quan tới nhiên liệu sinh học cũng đã có những chuyển biến cụ thể. Các dự án khác như gang thép Thái Nguyên, giấy Phương Nam... có nhiều vấn đề phức tạp như công nghệ, thậm chí vi phạm pháp luật, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý đồng bộ, theo đúng quy định của pháp luật...”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh