CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:05

Kinh tế phát triển nhưng cần quan tâm đến chất lượng tăng trưởng

Phấn khởi trước những thành công của đất nước

Là người đầu tiên phát biểu, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội bày tỏ: cử tri và cá nhân ông rất phấn khởi trước thành công lớn của đất nước. Có những chỉ số hết sức ấn tượng như: Năm 2018 có 12 chỉ tiêu thì vượt 8 chỉ tiêu, đạt 4 chỉ tiêu. Tăng trưởng GDP đạt ở mức cao, xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, đặc biệt tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu chế biến và nông sản. Nợ công giảm. Tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, đầu tư tư nhân ước đạt 42,7%, cho thấy sự tín nhiệm của nhân dân, của doanh nghiệp với Chính phủ.

“Đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên. Tuy nhiên, các lĩnh vực đều có những khía cạnh chưa an tâm hoặc chưa thực sự hiệu quả. Ví dụ, đầu tư FDI chuyển giao công nghệ chưa đạt kết quả như mong muốn, tiêu tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm… Tuy nhiên, tôi rất vui vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố không thu hút FDI bằng mọi giá”- Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phấn khởi trước những thành công của đất nước


Đại biểu Lại Xuân Môn, đoàn Cao Bằng cũng  bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng và ước đạt năm 2018, cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng giảm mạnh phụ thuộc vào tài nguyên.

“Sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đổi mới, sáng tạo, quyết tâm quyết liệt, thể hiện trên 5 điểm: Chính phủ phối hợp tốt với Quốc hội thể chế hóa nhanh các Nghị quyết của Trung ương, ban hành sửa đổi khối lượng lớn các luật có chất lượng, nợ đọng văn bản cơ bản giảm. Thứ hai, xây dựng kịch bản chỉ đạo, điều hành chính xác, ứng phó kịp thời với các diễn biến. Thứ ba, cắt giảm trên 60% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Thứ tư, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, công nhân, nông dân, quan tâm sâu sắc đến cơ sở, nhất là khi có thiên tai, bão lũ. Thứ năm, tham nhũng được kiềm chế, sắp xếp bộ máy đạt kết quả tích cực, như sắp xếp tổ chức, bộ máy Bộ Công an", đại biểu phát biểu.

Đại biểu cho rằng, dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đề nghị cho năm 2019 là khả thi do ta đang có động lực, lợi thế và nhiều cơ hội, các Nghị quyết Trung ương đang dần đi vào cuộc sống, hoạt động của Quốc hội được đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng kịp thời các đổi thay nhanh chóng đang đặt ra, Chính phủ có 5 vấn đề đột phá đổi mới sáng tạo, nhân dân đang có quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới…

Chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện

Theo Đại biểu Trần Chí Quang, đoàn Đồng Tháp, những thành quả đạt được đã tạo niềm tin sâu sắc trong xã hội, tăng trưởng GDP tăng cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 tới nay. Các lĩnh vực đều đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhân dân, cử tri đánh giá cao  nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương thời gian qua.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề như chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, chưa phát huy hết được ưu thế của nông nghiệp nhiệt đới, cuộc cách mạng 4.0 chưa thực sự lan tỏa trong nền kinh tế. Đại biểu nêu nhiều kiến nghị như tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về thể chế, hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu…

 

Đại biểu Trần Chí Quang cho rằng, chất lượng tăng trưởng vẫn chậm được cải thiện


Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông cho rằng qua 3 năm thực hiện cho thấy chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một chủ trương đúng đắn, cấp thiết, đạt kết quả bước đầu, khắc phục được tình trạng dàn trải nguồn vốn. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực, cụ thể là nguồn vốn cho ngân sách còn thấp. Một trong những nguyên nhân chính là chưa chú trọng đúng mức việc đánh giá nguồn lực khi xây dựng chính sách, triển khai thi hành.

Trong lĩnh vực đầu tư công, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ có báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020, cung cấp thông tin quan trọng cho các đại biểu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, tồn tại như đầu tư công vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí, cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn; tái cơ cấu nông nghiệp có kết quả tích cực nhưng tình trạng được mùa mất giá vẫn tái diễn, cơ chế liên kết 5 nhà chưa phát huy hiệu quả…; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở một số vùng còn cao; việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy, nhất là các tổ chức quần chúng cần có hướng dẫn để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong cả nước.

Đại biểu Đinh Duy Vượt, đoàn Gia Lai  cũng nhấn mạnh, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho vùng dân tộc miền núi. Đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giờ đây được cải thiện, tuy nhiên đây vẫn là “lõi nghèo” của cả nước, chiếm 52% tổng số hộ nghèo của cả nước. Ngoài việc đầu tư nguồn lực, Chính phủ cần quan tâm giải quyết đất ở và đất sản xuất  cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là ở Tây Nguyên.

Cần  đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được nêu ra tại Nghị quyết TƯ6 của Đảng và Nghị quyết 56 của Quốc hội là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri, bước đầu có những kết quả tích cực như giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục, giảm hơn 86.000 biên chế...

Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Đình Thưởng- đoàn Phú Thọ, do chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thực tế thời gian qua ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và nhiều nơi còn lúng túng. 

“Mỗi nơi làm một cách khác nhau, trong khi chúng ta chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân lên diện rộng. Nhiều băn khoăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, việc giảm đầu mối và tinh giản bộ máy còn nặng tính cơ học, ví dụ như việc sáp nhập giữa cơ quan Đảng với cơ quan nhà nước. Việc sáp nhập các phòng, ban, sở ngành một số tổ chức chính trị và nghề nghiệp... chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật, đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo đồng bộ để thực hiện thống nhất trên toàn quốc”, đại biểu Cao Đình Thưởng kiến nghị.

 

Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, việc giảm đầu mối và tinh giản bộ máy còn nặng tính cơ học


Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn Hải Dương nêu thực tế: Việc tinh giản biên chế khó đạt mục tiêu giảm tối tiểu 10% từ nay đến năm 2021. Số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả về tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan bộ thuộc chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND còn nhiều đầu mối , nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả . Việc xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa thật sự quyết liệt... 

Đại biểu Phạm Xuân Thăng đề nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước; Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế, đặc biệt là Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật công chức, luật viên chức ... để làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy nhà nước, các chủ trương về nhất thể hóa một số chức danh, nhất là việc hợp nhất một số cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. 

Còn theo đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Bạc Liêu, việc tinh giản biên chế chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chưa tinh giảm được các đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ và năng lực yếu kém. Ngân sách nhà nước hàng năm dành cho chi trả lương vẫn chiếm tỷ trọng lớn. 

Cho rằng tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai, tuy nhiên, đại biểu Hạ cho rằng, đã đến lúc cần phải nhận thức rõ ràng: ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân không thể chịu nổi khi mà hàng năm, chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách nhà nước. Số còn lại dành một phần không nhỏ cho quốc phòng, an ninh. “Vậy còn đâu để đầu tư cho phát triển?”- Đại biểu đoàn Bạc Liêu đặt câu hỏi.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh