Nhà ở vẫn là thách thức đối với người dân
- Tây Y
- 00:48 - 27/10/2018
Ưu tiên ngân sách để giải quyết nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc giải quyết nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân là mục tiêu rất quan trọng, đây là một trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội. Chính phủ đã bố trí nguồn lực nhưng các địa phương vì nhiều lí do khác nhau chưa triển khai đồng bộ. Cụ thể, về nhà ở đối với người có công với cách mạng, hiện chúng ta đã xây dựng nhà ở cho hơn 244.044 hộ người có công đạt 62%; đến hết tháng 9/2018, vẫn còn 38% tương đương 149.663 hộ chưa được triển khai và như vậy đến cuối 2018 sẽ không thực hiện mục tiêu đề ra. Ông Lợi đề nghị Chính phủ chỉ đạo để địa phương làm đủ nhà ở cho người có công vì nguồn lực đã được cân đối đủ.
Về vấn đề nhà ở cho người nghèo, đến giữa năm nay đã có 74.000 hộ được vay vốn để làm nhà với mức cho vay là 25 triệu mỗi hộ. Tuy nhiên, mức này không đủ để người dân làm nhà nên ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ nâng mức vay hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Quốc hội ưu tiên bố trí ngân sách xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp
Đối với nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, đến 7/2018 đã hoàn thành 186 dự án, quy mô 75.700 căn, hiện mới đạt 30% so với chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu đô thị và khu công nghiệp đến 2020 theo chiến lược nhà ở quốc gia. Do vậy, mục tiêu đặt ra là 250.000 căn hộ vào năm 2020 là thách thức lớn. Đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành chính sách và đề xuất với Quốc hội bổ sung ngân sách để giải quyết nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp.
Đồng thời, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị Chính phủ tập trung xây dựng hệ thống chính sách để thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội bởi hiện nay mới có khoảng 30% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Quan tâm hơn nữa đến giảm nghèo cho các tỉnh miền núi và phân luồng đào tạo nghề
Về công tác giảm nghèo, Đại biểu A Pớt (đoàn Kon Tum) cho rằng, kinh tế-xã hội các vùng miền núi có nhiều cải thiện trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm… Việc thực hiện chính sách cho miền núi đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của đồng bào, tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, chính sách vẫn chưa thực sự đồng bộ, do đó cần rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách, xây dựng chính sách hiệu quả hơn, bố trí đủ kinh phí cho các chương trình này, rà soát, sắp xếp lại các nông lâm trường không hiệu quả để bố trí đất cho đồng bào thiếu đất sản xuất...
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến công tác giáo dục nghề nghiệp
Đại biểu Dương Xuân Hòa, đoàn Lạng Sơn cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm sâu, nhưng các hộ nghèo vẫn tập trung ở một số địa phương khó khăn như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Đắk Nông... Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp. Tình trạng di dân không theo quy hoạch ở một số địa phương vẫn diễn ra... Đại biểu kiến nghị các giải pháp để khắc phục như phân cấp cho chính quyền địa phương để triển khai các giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tế...
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, những kết quả tích cực về kinh tế- xã hội đã củng cố niềm tin trong nhân dân, nhưng Chính phủ cần tiếp tục quan tâm một số vấn đề như: Thực hiện tốt hơn công tác hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, thanh niên trong bối cảnh nhiều học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không tiếp tục học đại học, làm tốt hơn công tác phân tích, dự báo nghề nghiệp trong tương lai, tăng cường gắn kết đào tạo với sử dụng lao động, thu hút sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp trong đào tạo lao động...