CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:05

Đại án tham ô tại Vinashinlines: Ai được xử lý tài sản kê biên?

 

Các bị cáo trước tòa

 

Trong số 37 nhà đất bị kê biên, Giang Văn Hiển "đầu tư" khá nhiều đất nền ở Khu nhà ở Bình An tại Quận 2 (TP.HCM). Vợ chồng bị cáo Hiển đứng tên 4 lô đất nền ở dự án này. Cũng ở Quận 2, vợ chồng Giang Văn Hiển còn có 6 lô đất nền và có 12 nhà đất thuộc Quận 3 - khu vực trung tâm TP.HCM.

Ngoài TP.HCM, vợ chồng Giang Văn Hiển còn đứng tên trên nhiều nhà đất ở Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang. Riêng tại Khu du lịch và sinh thái An Viên (Nha Trang, Khánh Hòa) hai vợ chồng bị cáo sở hữu gần 4.000 m2 đất ở nhiều lô khác nhau.

Đây là khối tài sản lớn, sau khi phát mại có thể giúp khắc phục được hậu quả trong vụ án. Chính vì vậy, có tới 3 đơn vị cùng có đơn đòi bồi thường dân sự trong vụ án là Vinashinlines, Vinalines và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện SBIC cho rằng thời điểm xảy ra vụ việc, Vinashinlines thuộc sở hữu 100% vốn Vinashin (nay là SBIC). Tiền mua tàu là tiền của Vinashin cho vay ủy thác qua Công ty Tài chính tàu thủy Việt Nam - VFC. Vì vậy, SBIC đề nghị Tòa án xác định tư cách nguyên đơn dân sự và đòi nhận lại số tiền các bị cáo chiếm đoạt.

Đại diện Vinalines đề nghị Tòa án xác định tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án bởi Vinashinlines đã được chuyển về Vinalines và Vinalines phải gánh các khoản nợ cho công ty này lên tới 6.000 tỷ đồng. Do đó, Vinalines đề nghị số tiền thu hồi phải chuyển trả cho Vinalines. 

Sau hai ngày xét xử phúc thẩm, Tòa bác kháng cáo của Vinashinlines và Vinalines, xác định SBIC là nguyên đơn dân sự có quyền nhận lại số tiền bị chiếm đoạt. Đồng thời bác kháng cáo của các bị cáo, tuyên án tử hình đối với bị cáo Liêm và Đạt, bị cáo Khương lĩnh án chung thân, bị cáo Hiển 12 năm tù giam.

Tổng số tiền bị chiếm đoạt là gần 260 tỷ đồng, trong đó Giang Kim Đạt chiếm hưởng 255 tỷ đồng, Trần Văn Liêm hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng, Trần Văn Khương hưởng lợi 1,7 tỷ đồng.

Vinashinlines đề nghị xác định tư cách nguyên đơn dân sự bởi khi phạm tội các bị cáo đang là nhân sự của Vinashinlines. Số tiền phải trả lại cho Vinashinlines. 

Tại bản án sơ thẩm, HĐXX xác định nguyên đơn dân sự theo quy định của pháp luật là Vinashin nay là SBIC. Đề nghị SBIC sau khi nhận được số tiền bồi thường thiệt hại phải có trách nhiệm đối trừ công nợ với Vinashinlines.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Vinashinlines và Vinalines đều kháng cáo đòi quyền xử lý tài sản. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng kháng cáo là có căn cứ nên chấp nhận và cho rằng cần xác định lại tư cách nguyên đơn dân sự. Các bị cáo lấy tiền của Vinashinlines thì phải trả lại cho Vinashinlines.

Về xử lý vật chứng, cơ quan điều tra đã kê biên 37 nhà, đất và 2 ô tô. Đối với khối tài sản này, Tòa án quyết định tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án. Số tiền bán nhà đất và 2 ô tô và số tiền 6,4 tỷ đồng tạm giữ sau khi đối trừ các nghĩa vụ nếu còn thừa cho tịch thu sung công.

Đối với 2 căn hộ chung cư Rathbone Square tại London, Anh (bị cáo Đạt đã đặt cọc 346.000 bảngurủAnh) và 1 căn hộ chung cư ở Singapore, kiến nghị cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Singapore và Vương quốc Anh thu hồi tài sản để tịch thu sung công quỹ.

Tòa án kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ việc mua bán 5 con tàu Eagle, Tiger, Express 1, Express 2, Glory mà Giang Kim Đạt khai được giao mua của đối tác nước ngoài, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định của pháp luật.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh