Đại án tham nhũng kinh tế tại Ocean Bank
- Pháp luật
- 15:42 - 07/10/2016
Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và một số đơn vị liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 17 bị can có liên quan.
Vụ án này được Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương đưa vào danh sách 6 đại án kinh tế tham nhũng đặc nghiêm trọng và chỉ đạo xét xử chậm nhất là quý 1/2017.
Thao túng ngân hàng
Theo kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, vụ án tiêu cực tại Ocean Bank và các đơn vị liên quan là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2011 đến 2014, với thủ đoạn đặc biệt tinh vi, có sự tiếp tay của nhiều người từ lãnh đạo ngân hàng tại hội sở cho đến các chi nhánh.
Trong số này, bị can Hà Văn Thắm (40 tuổi, ở quận Tây Hồ, TP.Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Ocean Bank được xác định là chủ mưu, cầm đầu. Từ năm 2011 - 2014, Thắm cùng đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho Ocean Bank.
Điển hình là ông Thắm đã chủ trương giải quyết cho Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng VN vay 500 tỉ đồng. Việc này vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng, cho vay không đảm bảo, vượt quá giới hạn quy định, các tài sản đảm bảo khoản vay không có thật thậm chí không có tài sản...
Bị can Hà Văn Thắm khai nhận tài sản đảm bảo của Công ty Trung Dung cho khoản vay từ Ocean Bank chỉ là 482 triệu đồng. Bản chất việc vay mượn này là nhằm cho Phạm Công Danh thanh toán khoản tiền mua cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đại Tín. Cụ thể, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước chủ trương tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng yếu kém.
Muốn thâu tóm các ngân hàng này, ông Thắm gặp bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Ngân hàng TMCP Đại Tín) nhằm gây sức ép, buộc bà Phấn phải chuyển cổ phần cho mình. Tháng 2/2012, bà Phấn ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84,9% vốn điều lệ của Đại Tín cho Hà Văn Thắm với giá hơn 4.400 tỉ đồng.
Hà Văn Thắm phải chịu trách nhiệm trả nợ và sở hữu tài sản từ các khoản vay khoảng 3.553 tỉ đồng. Sau đó, Hà Văn Thắm cho người vào quản lý Đại Tín nhưng không trả tiền, không cơ cấu tài sản của bà Phấn và cá nhân liên quan. Việc này khiến bà Phấn đe dọa sẽ lấy lại cổ phần, bán cho người khác.
Hà Văn Thắm liền chuyển nhượng lại số cổ phần trên cho Phạm Công Danh với giá 800 tỉ đồng. Sau khi thâu tóm đủ cổ phần, ông Phạm Công Danh đã đổi tên Ngân hàng TMCP Đại Tín thành Ngân hàng TMCP Xây dựng nhưng cũng không trả tiền cho bà Phấn và 800 tỉ cho ông Thắm như thỏa thuận.
Lo ngại việc giao dịch của bà Phấn, ông Thắm và ông Danh nếu không thực hiện được sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sáp nhập Đại Tín vào ngân hàng khác, cả ba thống nhất Ocean Bank sẽ cho ông Danh vay 500 tỉ đồng và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Ông Danh và Thắm thống nhất lấy tư cách pháp nhân của Công ty Trung Dung để thực hiện việc này.
Huy động lãi suất vượt trần
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng xác định, Hà Văn Thắm chủ trương và chỉ đạo cho các thuộc cấp chi trả lãi ngoài huy động vốn góp cho các khách hàng với số tiền lớn trái quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, gây thiệt hại cho Ocean Bank hơn 984 tỉ đồng. Mặt khác, để huy động vốn từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), ông Thắm đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Thắm và Sơn đã bàn bạc, thống nhất đề ra chủ trương "thu phí" của khách hàng thông qua Công ty CP BSC, là công ty con của Thắm và triển khai tổ chức thực hiện, dẫn đến thiệt hại cho Ocean Bank và khách hàng hơn 70 tỉ đồng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, trong quá trình điều tra bị can, Hà Văn Thắm khai báo thành khẩn, có ý thức hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ sự thật. Do đó bị can này được Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm. Trong khi đó, cơ quan CSĐT đánh giá bị can Nguyễn Xuân Sơn luôn thiếu sự hợp tác, khai báo quanh co, ngoan cố, không thành khẩn, liên tục thay đổi lời khai gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Bị can này bị đề nghị truy tố về 2 tội: lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan CSĐT xác định trong vụ án tại Ocean Bank còn liên quan đến một số khách hàng từ PVN có dấu hiệu móc ngoặc thu lợi bất chính nên quyết định tách thành các vụ án khác để việc điều tra được tiến hành toàn diện hơn. Được biết liên quan đến Ocean Bank, PVN đã từng góp vốn vào Ocean Bank 800 tỉ đồng, đây cũng là lý do để ông Sơn sang ngồi ở ghế Tổng giám đốc Ocean Bank. Đến nay, Ocean Bank được nhà nước mua với giá 0 đồng, cũng đồng nghĩa khoản tiền của PVN không còn khả năng thu hồi.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
3 tháng trước
Tin nên đọc