Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt: Phải đột phá, vượt trội
- Tây Y
- 13:34 - 12/09/2017
Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh đặc biệt
Trình bày tờ trình dự án luật của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng luật là hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong một thời gian dài; tạo ra khu vực có môi trường sống hiện đại, xanh, sạch, an toàn; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó là tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại, tài chính. Từ thực tiễn phát triển của các đơn vị này có thể nhân rộng trong cả nước những thể chế, chính sách và mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả.
Cụ thể, dự thảo luật mở cửa thị trường tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với mức cao hơn các khu vực khác; cắt giảm tối đa ngành nghề kinh doanh có điều kiện; quy định việc đăng ký đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư theo trình tự, thủ tục đơn giản nhất, không thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng và UBND cấp tỉnh theo quy định tại Luật đầu tư...
Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định trình bày BC thẩm tra dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Về đất đai, dự thảo đưa ra quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển. Quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua, cho thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
Với phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, dự thảo nâng mức giá trị bán hàng miễn thuế cho khách du lịch Việt Nam và người nước ngoài tại khu phi thuế quan; miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 60 ngày và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài; cho phép các hãng hàng không quốc tế được phép vận chuyển hàng không quốc tế kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược thấp hơn mức thuế suất hiện hành để cạnh tranh với Singapore, Malaysia, Macao trong việc thu hút người nước ngoài chơi casino.
Trao quyền lớn cho người đứng đầu nhưng phải kiểm soát được quyền lực
Vấn đề nhận được nhiều ý kiến tập trung thảo luận là mô hình tổ chức chính quyền địa phương liên quan đến việc có hay không HĐND và UBND.
Theo đó, Chính phủ đề nghị xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo hướng không xác định có cấp chính quyền địa phương và do đó không tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân. Thay vào đó, tại các đơn vị này, tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trưởng đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn do Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh giao theo quy định tại khoản 3 Điều 112 Hiến pháp.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong quá trình thẩm tra sơ bộ, có ý kiến đồng tình với quy định như dự thảo, tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về tính hợp hiến. Hơn nữa, việc tập trung nhiều quyền lực cho chức danh Trưởng Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt nhưng không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp, tại chỗ mà thực hiện giám sát từ trên xuống sẽ không tránh khỏi hình thức, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, mất dân chủ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nêu quan điểm đồng tình với phương án của Chính phủ là nên trao quyền cho Trưởng Đơn vị nhưng quy định rõ người này được làm gì, không được làm gì, trách nhiệm ra sao. Nhấn mạnh bộ máy đầy đủ mà không cải tiến, cải tổ thì lại quay về như cũ, không có gì là “đặc biệt”, ông Võ Trọng Việt lưu ý luật quy định phải tránh tình trạng“cha chung không ai khóc” hay trách nhiệm người đứng đầu không rõ, giám sát yếu dẫn đến “một tay che cả bầu trời”...
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ bày tỏ sự đồng tình với phương án của Chính phủ
Cũng bày tỏ đồng tình với phương án Chính phủ trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, phải đột phá, cơ chế phải thoáng, còn tổ chức như những nơi khác thì cuối cùng cơ chế vẫn thế sẽ rất khó. Quan trọng là đảm bảo nguyên tắc không trái Hiến pháp, linh hoạt gắn với chức năng và đảm bảo giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh phải cải cách cơ chế thủ tục hành chính, làm sao giảm được chi phí nhà đầu tư bỏ ra. Cùng với đó là bộ máy phải vô cùng gọn nhẹ. Một người có thể được trao quyền rất lớn nhưng việc kiểm soát quyền lực cũng phải đặc biệt để anh hành động vì lợi ích quốc gia chứ không vì lợi ích cá nhân, nói như Tổng Bí thư là phải “nhốt” quyền lực trong lồng luật pháp.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, quy định trong luật này phải có tính đột phá, vượt trội thì mới tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, bộ máy đủ quyền lực để thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục lấy ý kiến, nghiên cứu quy định liên quan mô hình tổ chức chính quyền. Nếu cần có thể sửa luật Tổ chức chính quyền địa phương để tạo sự đột phá trong luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.