THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:00

Vụ mộ vợ vua bị san ủi: Đã tìm thấy tấm bia đá

Tấm bia đá được phát hiện chiều 24/6

Theo đó, vào thời điểm nói trên, khi máy đào tiến hành đào xúc tìm kiếm ở vị trí cách nơi tìm thấy nền móng của ngôi mộ cổ khoảng 40m thì phát hiện 1 khối đá Thanh. Khối đá này có chiều dài 67cm, chiều rộng 32cm, dày khoảng 15cm; 1 đầu có chốt; 1 mặt có đề dòng chữ Hán. Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế, dòng chữ Hán đề trên khối đá Thanh được tìm thấy là: TIỀN TRIỀU TÀI NHÂN CỬU GIAI LÊ THỊ THỤC THUẬN CHI MỘ. Khối đá có dòng chữ Hán này được cho là bia của ngôi mộ cổ nói trên.

Mặt trước của Bia có khắc dòng chữ Hán: "Tiền Triều Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị Thụy Thục Thuận Chi Mộ"

Theo cắt nghĩa của ông Hải, “Tiền Triều” có nghĩa là triều trước; “Tài Nhân” có nghĩa là bà này mang hàm Tài nhân; “Cửu Giai” là hàm Cửu giai phi (bậc thứ 9 theo thứ tự phân chia cấp bậc các bà vợ của vua chúa ngày xưa); “Lê Thị” nghĩa là bà này mang họ Lê; “Thụy” là tên sau khi mất được đặt cho cái tên này; còn chữ “Thục Thuận” thì phần lớn các bà ở bậc thấp đều có hàm chung là Thục Thuận cả. Từ dòng chữ Hán trên tấm bia được tìm thấy, ông Hải khẳng định đây là mộ phần một bà vợ của các nhà vua thời Nguyễn. Tuy nhiên, là vợ của vua nào và tên đầy đủ là gì thì cần phải có sự tra cứu, tìm hiểu của các cơ quan chuyên môn lẫn các nhà nghiên cứu.

Vị trí phát hiện tấm bia cách nền móng ngôi mộ cổ khoảng 40m

Như chúng tôi đã đưa tin, bắt đầu từ sáng ngày 22/6, việc thực hiện san ủi, dọn dẹp mặt bằng để điều chỉnh lại thiết kế của đơn vị thi công dự án Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh (tại phường Thủy Xuân, TP. Huế) đã phải dừng lại. Lý do là có thông tin cho rằng trên diện tích thực hiện dự án có lăng mộ một người vợ của vua Tự Đức là bà Mỹ Phi. Bắt đầu từ chiều ngày 22/6, công việc tìm kiếm tấm bia bằng đá ở ngôi mộ cổ được cho là của vợ vua được tiến hành một cách khẩn trương.

Chiều ngày 24/6, sau khi tấm bia bằng đá Thanh có khắc chữ Hán được tìm thấy, đại diện Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế, chính quyền phường Thủy Xuân, đại diện Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị - đơn vị thi công, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc, đã có mặt tại hiện trường để lập biên bản vụ việc; đồng thời tìm biện pháp giải quyết trước mắt. Trả lơi phóng viên, ông Nguyễn Văn Hà, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, trước mắt sẽ tiến hành lập biên bản với sự có mặt của đầy đủ các bên liên quan. Việc bảo quản tấm bia sẽ tạm giao cho chính quyền địa phương, đợi đến đầu tuần sau, các cơ quan chuyên môn, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành họp và có phương hướng xử lý cụ thể.

Các bên liên quan có mặt tại hiện trường ghi nhận và lập biên bản vụ việc

Về việc tại sao có một ngôi mộ cổ được cho là của vợ vua ở tại khu vực thực hiện dự án bãi đỗ xe du lịch mà đơn vị quản lý di tích lại không biết, ông Phan Thanh Hải cho rằng, vợ của các ông vua nhà Nguyễn có hàng nghìn bà và trên địa bàn Thừa Thiên Huế có hàng nghìn ngôi mộ như ngôi mộ mới bị san ủi. Do đó việc quản lý hết số ngôi mộ này là một việc khó và cần có cả trách nhiệm của các con cháu trong dòng tộc nữa. Mặt khác, do ngôi mộ của bà Tài nhân họ Lê trên không nằm trong diện tích khoanh vùng di tích nên trước đó Trung tâm BTDT Cố đô Huế không nắm được thông tin.

Ông Hải cũng cho rằng, nếu chiếu theo Luật di tích thì trong quá trình thi công mà phát hiện dấu hiệu của di tích thì đơn vị thi công cần báo ngay cho cho cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành kiểm tra, xác minh. Vậy trước khi tiến hành san ủi mặt bằng, ngôi mộ này đã đực các cơ quan chuyên môn thực hiện đo đếm, đền bù như thế nào. Việc di dời mộ phần đã được thực hiện hay chưa? Vì theo người dân sống trong khu vực thì các ngôi mộ khác đã được xử lý theo hai hướng là có chủ và không có chủ.

Ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc thắp hương tại vị trí ngôi mộ cổ

Theo đơn vị thi công, đối với các ngôi mộ không có chủ họ đã cho thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong 3 tháng. Những ngôi mộ không ai đến nhận họ đã cho di dời đến một nơi khác từ năm 2016. Song đối với ngôi mộ của bà Tài nhân họ Lê thì ông Hải cho rằng có 2 điểm cần phải đặt dấu hỏi là: thứ nhất, trên ngôi mộ còn có bia đá khắc chữ rõ ràng thì không thể nói là mộ vô chủ được; thứ 2, nếu đã cho di dời mộ phần thì tại sao lại không di dời luôn cả tấm bia đá kia? Còn người dân sống trong khu vực thì lại cho biết, trước đó ngôi mộ cổ này chưa được đền bù cũng như chưa được di dời…

Vậy, việc mộ của một bà Cửu giai phi thời Nguyễn bị san ủi, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh