CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:07

Lý giải nguyên nhân lũ lụt ở miền Trung

Lý giải nguyên nhân lũ lụt ở miền Trung

Một phần đường Hồ Chí Minh tại Quảng Bình đã bị ngập

Điểm qua lại các trận lụt lớn gần như nhấn chìm khu vực đồng bằng miền Trung như trận lụt các năm: 1952, 1964, 1980, 1983, 1990, 1996, 1998, 1999, 2001, 2003... có lúc xảy ra lũ chồng lên lũ như các đợt lũ tháng 11, 12 năm 1999.

Những ngày qua, lượng mưa ở các tỉnh đang ở mức báo động. Như tại Hà Tĩnh, khoảng 17h ngày 14/10, thủy điện Hố Hô ở địa phận giáp ranh giữa Quảng Bình và huyện Hương Khê xả nước khiến người dân gần 10 xã vùng hạ du phải đánh kẻng chạy lũ, leo nóc nhà tránh lũ cả đêm. Tuyến quốc lộ 15A nối thành phố Hà Tĩnh lên Hương Khê bị nước lũ chia cắt hoàn toàn... Khoảng 23h ngày 14/10, tại địa phận các xã Hương Đô, Hương Giang , Hương Bình bị nước nhấn chìm, khiến dân cư ở đây trắng đêm chạy lũ. Đến sáng ngày 15/10, gần 2/3 số nhà trên địa bàn huyện Hương Khê bị nước lũ dâng ngang nóc.

Còn tại Quảng Bình, tính đến 11 giờ ngày 14/10, tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300 mm; lũ trên các sông vẫn đang lên. Mực nước sông Kiến Giang tại thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) là 11.17m trên báo động II là 0.17m; sông Nhật Lệ tại thành phố Đồng Hới 1.38m trên báo động II là 0.38m. Mưa lớn liên tục đã khiến 45 nhà dân ở thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) bị ngập, nơi ngập sâu nhất khoảng 2,5m. Nhiều địa phương, tuyến đường trong toàn tỉnh ngập sâu trong nước, giao thông bị tê liệt hoàn toàn.

Tại huyện Minh Hóa, đất đá sạt lở đường giao thông ở thôn Phù Nhiêu, xã Thượng Hóa; đường Hồ Chí Minh Đông đoạn bắc đèo Đá Đẻo (Km 909 - 911) nước ngập sâu 0,8m gây tắc đường; đường vào bản đồng bào Rục bị ngập và chia cắt. Mưa lớn gây ngập nặng và chia cách tại các xã Tân Hóa, ngầm tràn nối xã Tân Hóa với Minh Hóa,cầu tràn Kim Bảng (xã Minh Hóa), đường tỉnh 559B Km 42+10, xã Hóa Sơn, thị trấn Quy Đạt, Quốc lộ 12A, Km 68+800. Mưa lớn và liên tục suốt hai ngày qua khiến nhiều xã, thôn, bản tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch... ngập sâu (trung bình từ 1m-2.8m) và bị chia cách, có nơi bị cô lập. 

Theo các chuyên gia đài khí tượng, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi hình thế thời tiết điển hình của mùa bão lũ miền Trung: phía Bắc có không khí lạnh từ lục địa Trung Quốc tăng cường, phía Nam là rãnh thấp đi qua nam Trung Bộ nối với một vùng áp thấp hình thành ngay trên vùng biển ngoài khơi rồi di chuyển dọc theo ven biển miền Trung. Hoàn lưu của áp thấp bao trùm cả các khu vực từ bắc Trung Bộ cho đến Nam Bộ, với các khối mây dày đặc có dạng xoáy thuận rất rõ. Hình thế thời tiết này thể hiện từ mặt đất lên đến độ cao gần 6.000m.

Đặc biệt, khi vùng áp thấp di chuyển lên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi thì đã có vùng mây đối lưu rất mạnh ngay trên khu vực bắc đèo Hải Vân, mưa như trút nước cả ngày đêm. Hiện nay, vị trí trung tâm vùng áp thấp đi sâu vào đất liền nên vẫn còn gây mưa lớn trên khu vực này. Do vậy tình hình lũ vùng hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La và các sông ở Quảng Bình khả năng tiếp tục lên, các sông ở Quảng Trị vẫn còn dao động ở mức cao. Do mưa lớn liên tục và rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng nên khó tránh khỏi lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập sâu ở vùng trũng, nhất là vùng hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.

Với địa hình từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có núi cao, các sông ngắn có hướng chủ yếu Tây Bắc - Đông Nam, đổ ra biển, lưu vực nhỏ, lòng sông hẹp và có độ dốc lớn, nên với lượng mưa lớn như vậy trút xuống là có lũ lớn, lũ lên rất nhanh.

Do vậy, khi có bão ảnh hưởng trực tiếp, hoặc do áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh và gió mùa đông bắc tràn về,  thì dải đất hẹp miền Trung thường xảy ra mưa lớn.  Mưa càng kéo dài nhiều ngày thì lũ càng lớn. Khi những trận mưa từng đợt liên tiếp trên lưu vực sông, sẽ làm cho nước sông từng đợt nối tiếp nhau dâng cao, tạo ra những trận lũ trong sông, suối. Vào các tháng mùa mưa có các trận mưa lớn, cường độ mạnh, nước mưa tích lũy nhanh, nếu đất tại chỗ đã no nước thì nước mưa đổ cả vào dòng chảy, dễ gây ra lũ. Khi lũ lớn, nước lũ tràn qua bờ sông, chảy vào những chỗ trũng và gây ra ngập lụt trên một diện rộng.

HUYỀN NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh