THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:03

Mưa lớn, sạt lở đất ở nhiều địa phương

 

Ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Công Hà ở tổ 13, thị trấn Sa Pa (Lào Cai) bị đổ do sạt lở đá vào sáng 23-8. Ảnh: NGỌC TRIỂN.

 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, khoảng 2 giờ 30 phút ngày 23/8, tại km 98+200 trên quốc lộ 4D thuộc địa phận huyện Sa Pa (Lào Cai) đã xảy ra sạt lở đất, đá làm ách tắc hoàn toàn giao thông từ huyện Sa Pa đi tỉnh Lai Châu và ngược lại. Vụ sạt lở làm ba nhà dân bị hư hỏng nặng, vùi lấp khoảng 100 m đường. Để bảo đảm an toàn giao thông, lực lượng chức năng đã phân luồng phương tiện giao thông đi theo tuyến quốc lộ 32 và 279 để lưu thông từ Lào Cai đến Lai Châu và ngược lại; đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả để thông đường trong thời gian sớm nhất.

* Ngày 23/8, tại tỉnh Lạng Sơn vẫn có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh đã có sáu nhà bị sập, bốn nhà bị ảnh hưởng (nứt tường), bảy nhà bị tốc mái; sáu ha lúa bị ngập; sạt lở ta-luy âm, ta-luy dương trên bốn tuyến quốc lộ và các tuyến đường tỉnh; bốn cột điện (hạ thế) bị đổ gãy… ước thiệt hại hơn ba tỷ đồng. Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại ổn định cuộc sống.

* Ngày 23/8, trên địa bàn tỉnh Sơn La nhiều nơi vẫn đang ngập trong nước lũ; 22 cây cầu bị lũ tàn phá hư hỏng hoặc cuốn trôi; ách tắc giao thông ở 51 điểm trên toàn tỉnh, chia cắt các khu dân cư với bên ngoài. Hiện nay, chính quyền địa phương cùng người dân tại vùng lũ đang dồn sức khắc phục hậu quả do thiên tai.

* Ngày 23/8, tại tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng và nước ở nhiều sông, ngòi, kênh, ao, hồ... cao hơn so với mặt ruộng, nên nguy cơ úng ngập cây trồng vẫn còn diễn ra. Tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương cử lực lượng tổ chức túc trực tại tất cả các điểm có đập tràn, các tuyến đường dưới dãy núi Tam Đảo; thông tin kịp thời và hướng dẫn người dân tránh lũ ở các khu vực nguy hiểm.

* Ngày 23/8, tại tỉnh Thái Bình, mưa lớn liên tục khiến nhiều tuyến phố của TP Thái Bình bị ngập, nặng nhất là các tuyến phố Lý Bôn, Lê Quý Đôn. Tình trạng ngập nước khiến phương tiện tham gia giao thông gặp khó khăn; nước mưa tràn vào nhà khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

* Tính đến chiều 23/8, mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 đã gây thiệt hại cho tỉnh Yên Bái hơn 210 tỷ đồng. Tỉnh đã hỗ trợ ban đầu mỗi người chết 4,5 triệu đồng, người bị thương 1,5 triệu đồng. Nhiều gia đình bị sập nhà đã được hỗ trợ tạm thời bảy triệu đồng để dựng lại nhà cửa. Cùng với đó, các công trình công cộng bị hư hỏng đã được ngành giao thông, thủy lợi và điện lực khôi phục bước đầu. Hiện Bộ Giao thông vận tải đã bố trí nguồn vốn khẩn cấp khoảng hơn 40 tỷ đồng cho Yên Bái, nhằm khắc phục các điểm sạt lở, điểm ngập úng trên địa bàn.

* Tại huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã xảy ra sự cố sạt lở mái đê sông Hồng tại địa bàn thôn Công Luận 2, thị trấn Văn Giang. Vị trí sạt lở tại điểm km 82 + 360 đến km 82+ 460, cung sạt dài 100 m, vết sạt lở từ mép đê xuống chân đê từ ba đến năm mét. UBND thị trấn Văn Giang đã huy động lực lượng xử lý sự cố sạt lở mái; xây dựng kế hoạch cụ thể, sẵn sàng ứng phó khi có mưa lớn, bảo đảm an toàn cho đoạn đê bị sạt trong khi chờ xử lý; đồng thời báo cáo UBND tỉnh có biện pháp giải quyết sự cố theo phương án lâu dài để bảo đảm an toàn cho tuyến đê.

* Do mực nước sông dâng cao cộng với mưa lớn kéo dài đã làm đê sông Cầu Chày tại km10+400 đến km10+442, đoạn qua xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị nứt và sạt. Theo đó, trên mặt đê xuất hiện vết nứt dài 42 m, rộng từ 5 cm đến 22 cm, chiều sâu vết nứt từ 20 cm đến 90 cm, khối đất sụt sâu so với điểm bị sạt từ 20 cm đến 70 cm... huyện Thọ Xuân đã huy động 100 dân quân các xã khắc phục sự cố; sử dụng 200 m3 đất và cát, 300 cọc tre, cùng nhiều bao tải, lạt buộc để lấp tạm thời các điểm sạt; cấm các phương tiện có trọng tải lớn di chuyển trên đê; bố trí người quan trắc, theo dõi diễn biến cung sạt.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ngày 24/8, dải hội tụ nhiệt đới và vùng áp thấp tiếp tục gây thời tiết nguy hiểm cho khu vực giữa và nam Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái-lan: sóng lớn, mưa dông kèm gió giật mạnh. Khu vực nam Biển Đông, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng biển cao từ hai đến ba mét; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

* Đến cuối tháng 8, tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ 63,7 tỷ đồng khắc phục ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách T.Ư hỗ trợ là 40,4 tỷ đồng, nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh 10,5 tỷ đồng và huy động các nguồn lực khác trong cộng đồng. Từ nguồn vốn trên, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện giải ngân 7,1 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ dân để khắc phục diện tích lúa, vườn cây ăn trái thiệt hại do ảnh hưởng khô hạn và xâm nhập mặn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh