Đà Nẵng xử phạt đến 20 triệu đồng nếu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không quét mã QR
- Pháp luật
- 13:56 - 16/11/2021
Theo Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, việc chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sự kiện đông người không thực hiện biện pháp quét mã QR khai báo y tế đối với người ra, vào đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác truy vết, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh tại TP Đà Nẵng.
Đồng thời, vi phạm đến các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Do đó, tùy từng trường hợp trong thực tiễn, người có thẩm quyền có thể xem xét, xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Sở Y tế, Công an thành phố và UBND các quận, huyện, phường, xã hướng dẫn xử phạt đối với chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sự kiện đông người không thực hiện quản lý, kiểm soát thông tin người ra/vào địa điểm công cộng thông qua việc quét mã QR khai báo y tế theo quy định.
Theo đó, đối với người ra/vào địa điểm công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các địa điểm sản xuất, kinh doanh dịch vụ, sự kiện đông người nếu không thực hiện quét mã QR sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” theo Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP với số tiền phạt từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, theo Sở Tư pháp Đà Nẵng, tại khoản 1 Điều 47 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Điều 6 Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 quy định, tại địa phương đang có dịch bệnh, người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người phát hiện trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm thực hiện việc khai báo dịch cho nhân viên y tế thôn, bản, trạm y tế xã hoặc cơ quan y tế gần nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện.
Từ quy định nêu trên, việc không ngăn chặn và báo cáo với cơ quan y tế, chính quyền địa phương để xử lý kịp thời khi quét mã QR khai báo y tế phát hiện người có nguy cơ mắc bệnh dịch Covid-19, người mắc bệnh dịch Covid-19; không báo cáo cơ quan y tế, chính quyền địa phương khi có F0 tại/ đến cơ quan, tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp đã vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Do đó, căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong từng vụ việc cụ thể mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xem xét, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi sau đây:
Hành vi “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức.
Hành vi “cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức.
Hành vi “không báo cáo với UBND hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật” tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP sẽ bị xử phạt với số tiền từ 1-3 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 2 – 6 triệu đồng đối với tổ chức.