THỨ BẨY, NGÀY 21 THÁNG 09 NĂM 2024 12:29

Đà Nẵng: Triển khai rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều

Theo đó, thông tin tại hội nghị, giảm nghèo không chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh nâng cao thu nhập, đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân mà cần phải giúp họ tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực tế, đối với các quốc gia đang phát triển, phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã được thực hiện từ lâu và được xem là giải pháp giảm nghèo một cách hiệu quả, bền vững bởi tính bao quát, toàn diện.

Hỗ trợ bò cho hộ nghèo thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.(ảnh: Bùi Minh)

Với phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, bà Nguyễn Thị Thu Hương, trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng) cho biết, việc xác định hộ nghèo thuộc diện nghèo đa chiều sẽ được xác định dựa vào nhiều yếu tố (nhiều chiều) trên nguyên tắc tính điểm các chỉ số đo lường. Trong đó, các chiều thể hiện quyền được đáp ứng các nhóm nhu cầu cơ bản, sẽ được cho điểm bằng nhau, chứng tỏ các nhóm quyền có vai trò quan trọng ngang bằng nhau. Ngoài ra, trong mỗi chiều, các chỉ số cũng được cho điểm. Tổng điểm của tất cả các chỉ số thiếu hụt sẽ cộng thành điểm thiếu hụt chung của cả hộ. Nếu điểm thiếu hụt chung này nhiều hơn chuẩn nghèo thì hộ đó sẽ bị coi là nghèo đa chiều.

Cũng theo bà Hương, việc đo lường nghèo đa chiều ngoài chỉ tiêu ước tính thu nhập của hộ gia đình thì chỉ tiêu về các nhu cầu xã hội cơ bản dựa trên 5 chiều gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Tương ứng với các chiều đó cũng có các chỉ số cụ thể để tính điểm như: Trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, tiếp cận dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoat, hố xí/ nhà tiêu; sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin...

“Với việc rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, chúng ta sẽ tiếp cận được đến từng hộ nghèo một cách toàn diện nhất mà thông qua đó nắm bắt được những chiều nào hộ nghèo còn thiếu hụt hay đơn giản là thiếu hụt ở mức nào, để từ đó có những giải pháp hỗ trợ chính xác nhất, kịp thời nhất. Thực tế cho thấy, từ việc xác định hộ nghèo đa chiều, bức tranh nghèo giữa các địa phương như quận hoặc phường cũng đã có sự khác nhau đáng kể” - ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết.

Ông Hiệp cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế kèm theo đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng ở địa phương cũng đang đặt ra những vấn đề về nhu cầu giải quyết những khía cạnh nghèo đặc thù và những nhóm nghèo mới tại khu vực đô thị. Bên cạnh đó, thách thức giảm nghèo thường gắn liền với những bất lợi, yếu thế của người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương so với các nhóm dân cư khác về hòa nhập xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Chính vì vậy, với các phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, ông Hiệp nhấn mạnh cần phải làm tốt và làm kỹ công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo độ chính xác, khách quan để công tác này đạt hiệu quả cao.  

Được biết, qua 2 năm thực hiện Đề án giảm nghèo, thành phố Đà Nẵng đã vận động được hơn 1.400 tỷ đồng, giúp đỡ hơn 23.000 hộ thoát nghèo, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đặt ra. Thành công của Đà Nẵng trong công tác giảm nghèo là luôn bám sát tình hình, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để tập trung giúp họ nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2016, Đà Nẵng cũng chính thức áp dụng chuẩn nghèo mới của thành phố được xác định với mức thu nhập 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Đối với hộ cận nghèo, sẽ là những hộ có mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn trên 1.100.000 đồng/ người/ tháng đến 1.430.000 đồng/ người/ tháng; ở khu vực thành thị có mức thu nhập trên 1.300.000 đồng/ người/ tháng đến 1.690.000 đồng/ người/ tháng. 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh