Thanh Hóa: Giảm nghèo đa chiều, bền vững
- Tra cứu phẫu thuật
- 14:56 - 22/06/2015
Cuộc thi về giảm nghèo.
Giảm nghèo đa chiều – vai trò chủ động của người dân
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá Nguyễn Thị Thanh Xuân trao đổi: “Xác định muốn giảm nghèo, trước hết cần phát huy vai trò tự lực vươn lên của người dân. Muốn trợ giúp được họ phải biết họ mong muốn cái gì và phải làm họ thức tỉnh rằng là họ đang nghèo. Cái nghèo đó có thể từ thiên tai hay từ bất cập trong tổ chức đời sống của họ mà họ không nhận ra. Có thể chỉ một cú hích là cho họ học để trồng cây này không được thì trồng cây khác, nuôi còn này không ổn thì nuôi con khác. Như vậy để cho họ phải tự lựa chọn cách thức sản xuất kinh doanh. Từ đấy trợ giúp thêm. Cái chính là phải thay đổi nhận thức để họ hiểu họ đang nghèo và hãy vươn lên thoát nghèo bằng cách tính toán tại địa bàn của họ, thì lúc bấy giờ mới giải quyết được bản chất của vấn đề”. Theo đó, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho những vùng nghèo nhất, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo; khuyến khích tăng cường tính tự chủ, vươn lên của người nghèo, hiện nay Bộ đang nghiên cứu chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều, nhằm tăng độ bao phủ chính sách tới các đối tượng và thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả hơn.
Ban Quản lý Dự án PRPP tỉnh Thanh Hoá thực hiện theo hướng dẫn của BQL Dự án quốc gia đã phối hợp với các huyện, xã tiến hành khảo sát, tổ chức các hội nghị xây dựng kế hoạch công tác của các huyện, xã tại 03 xã thí điểm thực hiện Dự án (xã Quảng Khê – huyện Quảng Xương, xã Xuân Khang – huyện Như Thanh và Xã Xuân Phú – huyện Thọ Xuân). Được chọn để thí điểm cách làm mới trong xây dựng mô hình sinh kế như phân cấp trao quyền, nâng cao vai trò làm chủ của người dân, cộng đồng và chính quyền địa phương. Xây dựng thành công mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản đạt hiệu quả kinh tế cao tại địa phương, giúp các hộ dân giảm nghèo bền vững. Tạo mô hình để nông dân tham quan, học tập và là cơ sở để nhân rộng trong các chương trình đầu tư hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Nâng cao mức sống của người dân hưởng lợi trong vùng Dự án, tăng cường năng lực sản xuất, chăn nuôi của địa phương. Góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tăng thu nhập, tạo việc làm cho nông dân trong lúc nông nhàn.
Trưng bày cuộc thi vẽ báo tường về giảm nghèo của xã Xuân Khang (Như Thanh -TH).
Để tăng cường hiệu quả hoạt động của Dự án tại các huyện, xã tham gia thực hiện dự án. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đồng thời là Phó Ban Thường trực BCĐ GNBV tỉnh, Giám đốc BQL Dự án đã chỉ đạo, ưu tiên phân bổ nguồn lực từ CTMTQG GNBV, Dạy nghề - Việc làm; các nguồn vốn từ các chương trình, dự án trong lĩnh vực giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng cho 3 huyện, xã tham gia thực hiện Dự án. Đến nay, các huyện đã ưu tiên cho lao động tại 3 xã tham gia các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề, định hướng nghề nghiệp, xuất khẩu lao động. Đối với hợp phần phát triển sản xuất, đang nghiên cứu để lồng ghép với hoạt động mô hình giảm nghèo sẽ thực hiện trong thời gian tới. Năm 2014, BQL Dự án tỉnh đã phối hợp, tổ chức thực hiện hoàn thành 26/26 hoạt động (bao gồm cả hoạt động tổng kết năm 2014 và lập kế hoạch hoạt động năm 2015 này, trong đó: cấp tỉnh 10 hoạt động, cấp huyện 6 hoạt động, cấp xã 10 hoạt động. Tổng kinh phí đã giải ngân cho 26/26 hoạt động dự kiến đạt 95% so với kế hoạch được duyệt. Đã có 1.567 lượt cán bộ, người dân tham gia. Trong đó: cấp tỉnh là 165 người, cấp huyện là 268 người, cấp xã, thôn là 1.134 người; tỷ lệ nữ tham gia các hoạt động đạt 37,5 %, tỷ lệ người DTTS tham gia các hoạt động đạt gần 30%. Ngoài ra, BQL Dự án tỉnh cũng đã tài liệu hóa, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các hoạt động như: đối thoại giảm nghèo, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo, lập kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động,… để các huyện, xã chủ động triển khai thực hiện.
Nhìn chung, các hoạt động đã bám sát mục tiêu, kết quả mong đợi của Dự án; nội dung thiết thực, có tính chất cập nhật cao, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và giảm nghèo tại địa phương; sử dụng các phương pháp mới có sự tham gia, đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, người dân và yêu cầu thực tiễn của công tác giảm nghèo tại địa phương. Nhiều cán bộ, người dân lần đầu tiên tham gia các hoạt động của dự án, được tiếp cận những nội dung, phương pháp, kỹ năng làm việc mới tỏ ra rất hứng thú và mong muốn được tiếp tục tham gia các hoạt động của Dự án trong thời gian tới. Việc áp dụng các phương pháp, kỹ năng tiếp cận mới trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động đã góp phần vào việc tổng kết, rút kinh nghiệm và đề xuất với BCĐ GNBV tỉnh, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để rà soát, điều chỉnh, thiết kế các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù tại tỉnh và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng GNBV thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và CTMTQG GNBV giai đoạn 2012-2015 phù hợp, hiệu quả hơn cho những năm, giai đoạn tiếp theo.
Giảm nghèo nhanh và bền vững
Thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP, các chính sách giảm nghèo tiếp tục được tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt, có hiệu quả và phát huy tác dụng, hỗ trợ hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo. Năm 2014, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 61.180 lao động, trong đó xuất khẩu lao động cho 9.025 người, dạy nghề hơn 6.700 lao động nông thôn, vượt 34% kế hoạch năm 2014. Số lao động có việc làm sau khi học nghề là 4.847 người, đạt 88% tổng số lao động học nghề xong. Hỗ trợ, miễn giảm học phí và lương thực cho 76.911 học sinh với kinh phí 78.188 triệu đồng và hơn 1.422 tấn gạo. Cấp hơn 600.000 thẻ BHYT cho người nghèo; hỗ trợ mua thẻ cho 178.452 người cận nghèo và 336.869 người DTTS sống ở vùng ĐBKK. Lập kế hoạch thực hiện hỗ trợ nhà ở tránh lũ cho 668 hộ nghèo, tổ chức 70 đợt trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn, hỗ trợ 1.130 vụ việc, tổ chức 408 buổi sinh hoạt trợ giúp pháp lý với hơn 14.000 lượt người tham gia. Hỗ trợ tiền điện cho 121.849 hộ nghèo, hỗ trợ trực tiếp cho cho 284.473 người nghèo bằng tiền mặt và muối i ốt, bột canh với kinh phí hỗ trợ 27.113 triệu đồng, tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2011-2015; tổ chức cấp một số ấn phẩm, báo chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn...Tổng kinh phí thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo là 668.485 triệu đồng, trong đó: Nguồn vốn trung ương: 521.466 triệu đồng. Nguồn vốn ngân sách tỉnh: 55.772 triệu đồng. Nguồn vốn từ Doanh nghiệp, tổng công ty, lồng ghép Nông thôn mới, Quỹ vì người nghèo...: 91.247 triệu đồng.
Năm 2015, Thanh Hoá phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng ít nhất 1,3 lần so với cuối năm 2012 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng bãi ngang, ven biển tăng gấp 2,0 lần). Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 7%, khu vực miền núi còn dưới 14%, khu vực 7 huyện nghèo 30a giảm còn dưới 20%, đồng bằng và ven biển còn dưới 6,5%, thị xã và thành phố còn dưới 2%; sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa miền núi với các vùng miền khác trong tỉnh. Phấn đấu ít nhất có 01 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 20% số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Năm 2015, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung như: chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; Hỗ trợ về giáo dục và đào tạo... Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo trong thực hiện công tác giảm nghèo. Hướng đến một Thanh Hoá giảm nghèo nhanh và bền vững.