THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:14

Đà Nẵng: Tàu vỏ thép giúp ngư dân vươn khơi bám biển hiệu quả

 

Theo Chi cục Thủy sản TP. Đà Nẵng, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay Đà Nẵng có 7 dự án, hiện đã hạ thủy 5 dự án, bao gồm 4 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ gỗ. Các tàu vỏ thép đươc hạ thủy hơn một năm nay đều vươn khơi hiệu quả, không có hỏng hóc và làm ăn có lãi. Theo kỳ hạn, các chủ tàu đều góp trả nợ ngân hàng đầy đủ. 

 

Từ con tàu vỏ thép Sangfish 01, ngư dân Lê Văn Sang, chủ tàu vỏ thép thứ 3 của Đà Nẵng được đóng mới theo Nghị định 67 đã có được những kinh nghiệm "đắt giá" trong việc đóng mới tàu vỏ thép vươn khơi hiệu quả

Với con tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 có trị giá hơn 17 tỷ đồng, chính thức hạ thủy vào đầu năm 2016, ngư dân Trần Văn Mười, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, chủ tàu vỏ thép ĐNa 90777-TS cho biết, “So với tàu vỏ gỗ, tàu vỏ thép hành nghề hiệu quả hơn nhiều, lại an toàn ngay cả khi có sóng to, gió lớn. Hơn một năm hạ thủy, tàu vỏ thép cho thấy tính hiệu quả đáng kể về số lần vươn khơi với 14 chuyến biển, đặc biệt từ những thiết bị hiện đại, quá trình cấp đông ổn định nên chúng tôi rất yên tâm trong việc bảo quản hải sản đánh bắt được luôn tươi ngon, bán được giá. Chính vì vậy, trừ chi phí cho các chuyến tàu, tôi thu về lãi ròng hàng tỷ đồng.”.

Không chỉ đối với ngư dân Trần Văn Mười, một người đã có kinh nghiệm dày dặn trong nghề đi biển, cái tên Lê Văn Sang, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng có lẽ không xa lạ với các chủ tàu và bạn tàu ở miền Trung bởi anh được cho là người “tuổi trẻ tài cao” dám nghĩ dám làm.

Không được như mong đợi từ con tàu vỏ thép Sangfish 01, ngư dân Lê Văn Sang, chủ tàu vỏ thép thứ 3 của Đà Nẵng được đóng mới theo Nghị định 67 bày tỏ, “Đối với nghề đi biển, phương tiện hành nghề có vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành hay bại của mỗi chuyến biển. Chính vì vậy, việc ngư dân được hỗ trợ đóng mới tàu vỏ thép hiện đại để hành nghề hiệu quả là điều mà chúng tôi thực sự mong đợi. Tuy nhiên, trị giá của mỗi con tàu vỏ thép không hề nhỏ, lên đến hàng chục tỷ đồng, vì vậy nên việc làm sao để có một con tàu vỏ thép vươn khơi hiệu quả, làm ăn có lãi và có thể trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn là điều mà những ngư dân chúng tôi cho rằng quan trọng hàng đầu, trước khi đặt bút ký vào hợp đồng đóng mới tàu vỏ thép”.

Theo anh Sang, để làm được điều ấy thì không thể thiếu ba yếu tố quan trọng đó là xác định nghề đánh bắt để có thể lựa chọn hoặc thiết kế mẫu tàu phù hợp khi hành nghề; tiếp theo đó là việc lựa chọn các thiết bị, ngư lưới cụ phù hợp, đảm bảo chất lượng; yếu tố thứ ba vô cùng quan trọng, ngư dân phải có sự tham gia, giám sát chặt chẽ, đảm bảo mọi công đoạn đều được đóng và lắp ráp theo đúng  thiết kế, kỹ thuật, công năng đến chủng loại máy móc, thiết bị...

“Ngư dân cùng tham gia vào quá trình thiết kế, lựa chọn các nguyên, vật liệu, phương tiện đóng tàu và đặc biệt là phải được giám sát chặt chẽ quá trình đóng tàu vỏ thép. Việc các tàu vỏ thép ở Đà Nẵng không bị hư hỏng, xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng như ở một số tàu của ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi thời gian qua là do chúng tôi làm rất kỹ các khâu quan trọng này. Người đóng tàu cần phải biết lựa chọn thép nào để đóng vỏ thân tàu, chọn hãng sơn nào để mang lại hiệu quả lâu dài….”, ngư dân Trần Văn Mười cho biết.

Đồng quan điểm này, một số chủ tàu ở Đà Nẵng cho rằng, cùng với việc thiết kế tàu, lựa chọn ngư lưới cụ đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng ngành nghề đánh bắt như nghề lưới chụp, lưới bùng nhùng hay lưới vây, lưới rê…thì việc lựa chọn nguồn thép để làm vỏ thân tàu cũng như hãng sơn là rất quan trọng. Bởi đây là bộ phận bên ngoài, phải chịu tác động của nhiều yếu tố về thời tiết như mưa, nắng và đặc biệt là phải tiếp xúc với nước biển.

Cũng theo những ngư dân này, trên thực tế có rất nhiều loại sơn khác nhau, giá thành cũng khác nhau, vậy nên có những con tàu chỉ mất vài chục triệu đồng tiền sơn thì các tàu khác lại lựa chọn hãng sơn lên đến vài trăm triệu đồng. Nếu người đóng tàu lựa chọn loại sơn không phù hợp, tàu nhanh bị bong tróc, rỉ sét khi đưa vào sử dụng là điều khó tránh khỏi.

“Ưu điểm về tính hiệu quả của tàu vỏ thép so với tàu vỏ gỗ đã rõ. Trước sự việc một số tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung bị hư hỏng khi mới chỉ đưa vào sử dụng chưa được bao lâu cho thấy, việc triển khai thực hiện đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 ở Đà Nẵng được các cấp chính quyền và ngành chức năng của thành phố xem xét, thực hiện hết sức kỹ càng, lựa chọn những ngư dân thực sự tâm huyết với nghề đi biển và đặc biệt là có trách nhiệm khi đóng con tàu của mình là có lý do. Có như vậy, ngư dân cũng không bị đặt vào bài toán khó như ở một số nơi đang gặp phải.”, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Đà Nẵng cho biết.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh