CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Tàu vỏ thép liên tục hỏng, ngư dân thua lỗ nặng

 

Gần cuối tháng 5, vào vụ đánh bắt cá Nam, tàu thuyền ra vào tấp nập tại cảng cá Đề Gi (Bình Định). Sau khi hải sản chất đầy khoang được bán cho thương lái, các tàu lại rồng rắn chở lương thực, thực phẩm và nhiên liệu vươn khơi.  

Trái ngược hình ảnh đó, trong 9 tàu vỏ thép hiện đại được đóng theo Nghị định 67 thì chỉ một tàu chuẩn bị ra khơi, còn lại 7 tàu nằm bờ và một tàu đang được ngư dân lắp thêm một số phụ kiện phù hợp với nghề đánh bắt. 

 

Con tàu của anh Thái Văn Duyệt đi một chuyến biển lỗ tới 300 triệu đồng nên đành nằm bờ. Ảnh: Đắc Thành.


Con tàu hành nghề lưới vây trị giá gần 19 tỷ đồng của anh Thái Văn Duyệt (xã Cát Khánh, Phù Cát) là một trong số đó. Đầu năm 2017, anh Duyệt nhận tàu từ Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu (Hải Phòng), do gần Tết Nguyên đán nên chưa ra khơi. Một tháng sau, anh cùng 15 thuyền viên ra vùng biển Đà Nẵng đánh bắt hải sản, nhưng lưới bỏ đến đâu bị cuốn vào chân vịt đến đó. 

Anh Duyệt đành đưa tàu về xưởng sửa chữa ở TP Đà Nẵng để khắc phục bằng cách hàn một vòng tròn bằng thép bao quanh chân vịt, hạn chế lưới mắc vào. Sau khi hàn hết 30 triệu đồng, anh Duyệt cho tàu ra biển đánh bắt, nhưng tình hình không mấy cải thiện khi lưới tiếp tục bị chân vịt "nuốt". Thuyền viên đành đưa tàu về cảng cá Đề Gi thuê người vá lưới và tìm cách khắc phục.

"Đoạn lưới nào rách quá thì cắt bỏ, đoạn nào còn khắc phục được thuê người vá, với số tiền hơn 100 triệu đồng. Đó là chưa tính đến khoản tiền trả 13 thuyền viên mỗi người 5 triệu đồng, rồi chi phí cho 5.000 lít dầu và 1.000 cây đá, tổng cộng cũng hết hơn 300 triệu đồng mà không thu được đồng nào", anh Duyệt xót xa

 

Tàu của ngư dân Đinh Công Khánh nằm bờ gần 2 tháng nay. Ảnh: Đắc Thành.


Tương tự, tàu vỏ thép của ngư dân Đinh Công Khánh (xã Cát Khánh) chỉ đi biển hai chuyến thì nằm bờ. Con tàu hành nghề lưới vây nằm bờ được hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu, tổng giá trị 18,5 tỷ đồng.

Nhận tàu về tháng 10/2010, ông Khánh cho tàu vươn khơi chuyến đầu tiên. 10 ngày đánh bắt, hầm chứa hải sản không giữ được nhiệt, hơn 1.200 cây đá lạnh chảy tan gây ngập hải sản. "Vất vả mới thu được hơn 3 tấn cá thì hư hỏng gần hết nên tôi cho tàu về bờ khắc phục, gia cố lại hầm bảo quản", ông Khánh nói.

Tháng 3/2017, ông Khánh đi chuyến thứ hai, tàu vừa rời cảng thì gặp sự cố hỏng hộp số, trục bô. "Sau khi thông báo cho doanh nghiệp đóng tàu, máy được đưa vào TP HCM sửa chữa và gần 2 tháng nay chưa xong. Con tàu mới đưa vào sử dụng 6 tháng nhưng hàu, hà bám đầy”, ông Khánh nói và cho rằng chất lượng sơn tàu rất kém, nếu không xử lý thì chẳng mấy chốc hư hỏng.

Hai chuyến lỗ tới 600 triệu đồng, tàu nằm bờ, nợ ngân hàng đến kỳ phải trả, gia đình ông Khánh mất ăn mất ngủ, sổ đỏ nhà cửa đã cầm cố. Ông mong Nhà nước có chính sách giãn nợ.

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Thủy sản Bình Định cho biết, đã có 10 chủ tàu làm đơn kiến nghị về tình hình hư hỏng và bảo hành sửa chữa của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu.

Sở Nông nghiệp đã thành lập đoàn kiểm tra với tàu vỏ thép của Công ty Đại Nguyên Dương. Kết quả, trong 5 tàu vỏ thép thì 3 tàu đều gỉ sét, hư hỏng. "Vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị boong tàu bong tróc, xuống cấp trầm trọng. Hầm bảo quản của tàu thoát nước kém, bị ngập làm hư hỏng sản phẩm. Hệ thống lạnh hoạt động không ổn định nên không bảo quản được hải sản", ông Tâm nói.

Đối với 20 tàu vỏ thép Công ty Nam Triệu đóng, lực lượng chức năng kiểm tra 4 tàu theo kiến nghị của 4 ngư dân cho thấy, thân tàu bị gỉ sét, hà bám nhiều, máy tính đều bị sự cố. Ngoài ra, máy phát điện cũng bị hư hoặc hoạt động không tốt. Đặc biệt hầm bảo quản không giữ được lạnh, tiêu đá nhiều.

 

Tàu vỏ thép ngư dân Bình Định hư hỏng neo đậu ở cảng cá Đề Gi nhiều tháng nay. Ảnh: Đắc Thành.


Không chỉ Bình Định, ngư dân Quảng Ngãi, Phú Yên chẳng mấy suôn sẻ với tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Ông Võ Văn Hân (54 tuổi, xã Bình Châu, Bình Sơn) cho biết, từ khi nhận tàu hơn 14 tỷ đồng vào tháng 2/2016 đã đi 5 chuyến biển nhưng lần nào cũng trục trặc ở bộ phận máy kéo dẫn đến lỗ nặng.

Hơn năm qua, ông bỏ ra hơn một tỷ đồng để duy tu, sửa chữa tàu. Theo quy định, chủ tàu được hỗ trợ 100% chi phí này, nhưng không quá 1% giá trị đóng mới. Tuy nhiên, đến nay trường hợp của ông vẫn chưa được giải quyết.

Cũng tham gia chính sách đóng tàu theo Nghị định 67, tháng 3/2016 ngư dân Trần Văn Liên (xã Bình Minh, Thăng Bình) hợp đồng với một doanh nghiệp ở TP Đà Nẵng hạ thủy con giá trị 17 tỷ đồng, nhưng khi đang chạy thử thì hỏng máy. Từ đó đến nay, các bên liên quan đã nhiều lần giải quyết nhưng bất thành. Vụ việc đang được ra tòa án nhân dân huyện Thăng Bình xử lý. Nhưng trong lúc này, anh Liên đứng ngồi không yên, bởi áp lực kinh tế. 

 

Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau hơn một năm triển khai, chính sách này được sửa đổi bổ sung một số điều thành Nghị định 89. Theo đó, cả nước sẽ đóng mới 2.079 tàu đánh bắt xa bờ, 205 tàu dịch vụ hậu cần.

Tháng 8/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và công bố 21 mẫu thiết kế kỹ thuật tàu cá vỏ thép khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ. Theo chính sách này, ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm. Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh