THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:26

Đà Nẵng: Những giải pháp thoát nghèo bền vững

Thành phố Đà Nẵng đã có những chính sách tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm nâng cao mức sống, vươn lên thoát nghèo.

Nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả

Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, đầu năm 2016, thành phố có 23.276 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,15%/ hộ dân cư (20.139 hộ nghèo còn sức lao động, trong đó có 7.242 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương), thành phố không có hộ nghèo tiếp cận đa chiều thiếu hụt từ 3 chỉ tiêu dịch vụ xã hội cơ bản trở lên theo quy định của Trung ương. Thực hiện Đề án Giảm nghèo trong 3 năm từ 2016 đến 2018, thành phố đã xét chọn 1.960 hộ có mức thu nhập thấp nhất trong số hộ nghèo (tức là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (CHCĐBKK)). Với mục tiêu đề ra là hàng năm, phấn đấu giảm từ 500 - 600 hộ nghèo CHCĐBKK và giảm 20% trở lên số hộ nghèo (tương ứng 4.300 hộ) còn sức lao động; hạn chế hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh mới dưới 1%.

Qua 3 năm (2016-2018) triển khai, thành phố đã trợ giúp cho 20.293 hộ thoát nghèo (6.514 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương), phát sinh 1.237 hộ. Tính đến cuối năm 2018 số hộ nghèo còn sức lao động trên địa bàn thành phố còn lại 1.083 hộ, tỷ lệ 0,43%, trong đó có 768 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, tỷ lệ 0,3%; Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 về đích trước 2 năm.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, để có được những kết quả này là hiệu ứng từ hàng loạt các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo mà thành phố đã triển khai trong suốt thời gian qua. Trong đó, các chính sách, giải pháp tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập đã đóng góp đáng kể giúp cho hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Cụ thể, để tạo điều kiện cho hộ nghèo có nguồn lực sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình tăng thu nhập, bên cạnh nguồn vốn Trung ương phân bổ, TP. Đà Nẵng đã ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội 152 tỷ đồng để kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo vay vốn. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cũng phối hợp với các hội, đoàn thể và các địa phương tiến hành thẩm định và giải ngân cho 27.455 lượt hộ vay vốn (4.497 hộ nghèo, 12.130 hộ cận nghèo và 10.828 hộ mới thoát nghèo) với tổng doanh số cho vay 959,134 tỷ đồng; dư nợ cho vay đối với hộ nghèo, thoát nghèo, hộ cận nghèo đến 30/12/2018 là 642,687 tỷ đồng. Đặc biệt, các Hội Cựu Chiến binh, Hội LHPN thành phố, Hội nông dân… còn thông qua mô hình góp vốn quay vòng, quỹ hỗ trợ, tổ tiết kiệm đã cho 3.555 lượt hộ vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp với tổng số tiền hơn 44,4 tỷ đồng để các hộ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Bên cạnh đó, giải pháp dạy nghề, giải quyết việc làm, hướng dẫn cách làm ăn và nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả cũng là cách mà thành phố Đà Nẵng đặc biệt chú trọng trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Đã có hơn 3.500 người được đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 16.320 lao động nghèo, cận nghèo.

Đặc biệt, với việc tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả để hộ nghèo, người nghèo có điều kiện tiếp cận với các kiến thức, kinh nghiệm làm ăn và tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo, TP. Đà Nẵng cũng đẩy mạnh phát triển mô hình “cho vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp”. Đây là mô hình được các hội đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Cựu Chiến binh...triển khai thực hiện khá hiệu quả thông qua các hình thức như “tổ góp vốn xoay vòng”, “3 trong 1”, “5 trong 1”, “giúp nhau lập nghiệp” đã thu hút được đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo tích cực tham gia để thực hiện cải thiện sửa chữa nhà, công trình vệ sinh, buôn bán, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Hay mô hình “Phụ nữ phát triển kinh tế”, tổ Liên hợp sản xuất nấm Linh chi, may thảm chùi chân và đệm lốp ôtô của Hội LHPN thành phố; mô hình “Phụ nữ giúp việc nhà” của quận Hải Châu; mô hình nhóm dịch vụ vệ sinh “Sạch và gọn, cùng  các mô hình trồng hoa cúc vàng, nấm rơm, nuôi cá nước ngọt, rau sạch, chăn nuôi bò, gia cầm của huyện Hòa Vang… cũng đã giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn.

Ban hành hàng loạt chính sách đặc thù trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo

Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo của Trung ương, TP. Đà Nẵng đã ban hành hàng loạt những chính sách đặc thù nhằm trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Cụ thể, như chính sách hỗ trợ nhà cho hộ nghèo, thành phố nâng mức hỗ trợ xây mới từ 8 triệu đồng/nhà (do Trung ương quy định) lên 35 triệu đồng/nhà; sửa chữa 20 triệu đồng/nhà); miễn giảm 60% tiền thuê nhà chung cư cho hộ nghèo và 100% hộ nghèo CHCĐBKK khi thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (Trung ương chỉ hỗ trợ cho hộ nghèo theo chuẩn Trung ương); xem xét bố trí chung cư cho hộ nghèo, hộ nghèo CHCĐBKK, phụ nữ đơn thân thuộc hộ nghèo. Theo đó, đã có 3.546 hộ nghèo trên địa bàn thành phố được thụ hưởng chính sách đặc thù này.    

Đối với chính sách hỗ trợ về y tế, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với hộ nghèo thoát nghèo theo chuẩn thành phố, thời gian 5 năm và hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố (Trung ương  quy định chỉ hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương), nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách lên 50% đối với hộ, nông lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; hỗ trợ 100% các chi phí khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đối với phụ nữ  thuộc diện hộ nghèo CHCĐBKK và phụ nữ nghèo bị bệnh ung thư...  

Về chính sách hỗ trợ giáo dục, TP. Đà Nẵng thực hiện việc miễn học phí cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông ở với cô, dì, chú, bác, ông bà thuộc hộ nghèo do cha mẹ bỏ đi hoặc không có trách nhiệm nuôi dưỡng (Trung ương quy định thực hiện cho con có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo mới được hưởng; thành phố mở rộng cho những người giám hộ và thoát nghèo 2 năm tiếp tục được miễn học phí). Hơn 15.000 lượt học sinh ở với người giám hộ và con hộ thoát nghèo sau 2 năm trên địa bàn thành phố đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này.

Ngoài ra, hộ nghèo theo chuẩn Trung ương được nhận hỗ trợ tiền điện, thành phố cũng mở rộng đến hộ nghèo theo chuẩn của thành phố với hơn 25.080 lượt hộ được hỗ trợ; các chính sách về hỗ trợ vay vốn ưu đãi không lãi suất, chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng... cũng được thành phố Đà Nẵng mở rộng nhằm tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhiều cơ hội thoát nghèo bền vững hơn.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo hai năm 2019- 2020, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm nâng cao mức sống, điều kiện và chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, với mục tiêu hằng năm giảm hộ nghèo tiếp cận đa chiều từ 1,0-1,5%/năm. 

Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn sức lao động trên địa bàn thành phố còn lại là 3,54%. Trong đó, giảm 100% hộ nghèo còn sức lao động theo Chuẩn Trung ương và hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lại 1,5%. Cũng theo UBND TP. Đà Nẵng, đến năm 2020 thành phố đặt mục tiêu sẽ đào tạo nghề cho khoảng 500 - 700 người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; kết nối giới thiệu việc làm cho 2.000 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh