THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 04:47

Đà Nẵng: Nhiều lao động khó sống khi làm đúng nghề

 

Tốt nghiệp ngành kế toán của một trường cao đẳng trên địa bàn, cũng như bao sinh viên khác, cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, Nguyễn Thúy Anh, (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã nghĩ về một tương lai tươi sáng. 

 

Nhiều lao động ở Đà Nẵng vẫn đang làm công việc không đúng với chuyên ngành học.

 

Nhờ người quen giới thiệu, Anh được nhận vào làm việc trong một công ty tư nhân chuyên về xây dựng. Công ty tuy không lớn nhưng cũng là niềm mong ước của không ít sinh viên mới ra trường khi ấy. Thế nhưng, vừa chân ướt chân ráo vào làm việc chưa lâu, Thúy Anh đã nộp đơn xin nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè, chỉ với một lý do “công việc nhiều áp lực”. Cứ như vậy, đã gần 3 năm nay, trong khi nhiều bạn bè đã có chỗ đứng trong cơ quan, đơn vị đang làm thì Anh vẫn quanh quẩn với mấy công việc hết tiếp thị bia cho nhà hàng, đến phục vụ trong các quán cà phê, bida, rồi làm công nhân...

Cùng cảnh ngộ như Anh, với Trần Thị Thủy (quê Quảng Trị) mong muốn tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành học để ổn định cuộc sống vẫn là mong ước xa vời. Tốt  nghiệp ngành tài chính – ngân hàng của một trường đại học tư thục trên địa bàn Đà Nẵng, sau nhiều lần phỏng vấn, Thủy đã được nhận vào làm việc cho một công ty dịch vụ chuyên về làm báo cáo tài chính, thuế, kế toán cho các doanh nghiệp, mức lương 3,5 triệu đồng/ tháng.

“Thực sự khi vào làm mình mới biết được công việc ở đây quá nhiều, buổi trưa nhân viên chỉ được nghỉ hơn một tiếng đồng hồ rồi lại tiếp tục công việc cho buổi chiều. Làm việc cả ngày đã đành, có nhiều khi mọi người phải mang cả công việc về nhà làm thâu đêm cho kịp yêu cầu của khách. Tuy nhiên với mức lương 3,5 triệu đồng/ tháng, thực sự không đủ để mình trang trải cuộc sống khi vẫn phải đi thuê nhà để ở”, Thủy cho biết.

 Công việc yêu cầu cao, thời gian khắt khe, trong khi mức lương chỉ từ 3-4 triệu đồng/ tháng, nhiều lao động trẻ ở Đà Nẵng chấp nhận cất tấm bằng sau nhiều năm miệt mài đèn sách trong tủ để đi làm lao động phổ thông, thậm chí bất kể công việc gì để có được mức thu nhập tốt hơn. Trường hợp của Đỗ Thị Trinh (quê Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) là một ví dụ.

Sau khi đi làm ở một vài doanh nghiệp tư nhân, không chịu nổi áp lực công việc theo doanh thu, lương thực tế lại thấp, Trinh quyết định tự sắp xếp thời gian để làm việc có hiệu quả hơn, mặc dù không được làm đúng với chuyên ngành học. Trinh cho biết “Mình thấy khá ổn với cuộc sống hiện tại, mặc dù gia đình chưa thực sự đồng ý. Từ 7 giờ 30 đến 14 giờ chiều mình nhận bán hàng cho một shop thời trang, với mức lương gần 4 triệu đồng/ tháng. Buổi chiều làm phục vụ cho nhà hàng, cuối tuần tranh thủ nhận giám sát nhân viên phát từ rơi cho các siêu thị nên cũng có thu nhập khá ổn. Hiện tại, mình chưa nghĩ đến việc sẽ đi xin việc làm đúng với chuyên môn”

Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng), đầu năm luôn là thời điểm nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn, đây là cơ hội để người lao động có thể tìm được một công việc phù hợp với trình độ, khả năng của mình. Tuy nhiên, thực tế vì nhiều lý do, tỷ lệ lao động được chắp nối thành công tại các phiên giao dịch vẫn chưa cao.

Cụ thể, tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức mới đây, có 128 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lên đến  hơn 2.340 lao động, trong đó, lao động nữ  là 973 người. Nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề là hơn 1.100 người, lao động phổ thông 1.239 người. Trung tâm Giới thiệu việc làm  đã chắp nối, giới thiệu cho 403 lao động, trong đó có 168 lao động nữ. Lao động có tay nghề 253 người, lao động phổ thông 150 người. Tuy nhiên kết quả phỏng vấn sơ tuyển tại phiên giao dịch chỉ có 304 lao động được chắp nối, giới thiệu thành công 122 nữ. Trong đó, lao động có tay nghề 198 người, lao động phổ thông 106 người.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh